.
Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

Khó vận động, thuyết phục

.

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở phường Tam Thuận (quận Thanh Khê) gặp nhiều khó khăn bởi không dễ vận động, thuyết phục người dân.

Chị Nguyễn Thị Minh Hải (phải) đang tuyên truyền sử dụng các biện pháp tránh thai.
Chị Nguyễn Thị Minh Hải (phải) đang tuyên truyền sử dụng các biện pháp tránh thai.

Với thâm niên hơn 4 năm làm công tác dân số, dù đã tới lui nhiều lần nhà các gia đình có người trong độ tuổi sinh đẻ, chị Nguyễn Thị Minh Hải (38 tuổi), cán bộ chuyên trách dân số ở phường Tam Thuận vẫn phải thốt lên: “Không dễ!”. “Giờ nhà ai cũng kín cổng cao tường nên việc tiếp cận rất khó bởi có những gia đình đi làm cả ngày, đến 22-23 giờ mới về nhà”, chị Hải thổ lộ.

“Lỡ kế hoạch”

Có lần, chị Hải gõ cửa một gia đình lúc 20 giờ. Bà vợ ló đầu ra hỏi: “Cô thu tiền chi?”. Chị nhỏ nhẹ: “Em gửi chị một số tài liệu về chăm sóc sức khỏe sinh sản”. Chủ nhà lắc đầu: “Thôi khỏi, cái đó trên ti-vi nói ra rả rồi. Cảm ơn cô”, rồi đóng sập cửa lại.

Chuyện cán bộ dân số bị quát mắng hay xua đuổi cũng là chuyện bình thường. Chị Hải tâm niệm, với những người có điều kiện kinh tế, họ có thể đến cơ sở y tế lớn để nhờ tư vấn, khám… Nhưng với người lao động nghèo, thiếu thời gian để tìm hiểu về chăm sóc sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai vì bận mưu sinh nên khi xảy ra “sự cố” thì đành phải… đẻ. Thế nên, những gia đình này đã khó bảo đảm lo đủ miệng ăn thì càng khó khăn hơn.

Chọn thời điểm vào buổi tối, sau khi các gia đình đã cơm nước xong, chị Hải mới đến nhà để tiếp cận. Có thời điểm tối nào chị cũng có mặt ở các gia đình, bởi chị muốn trò chuyện để vận động dùng các biện pháp tránh thai. Chẳng hạn, nhà anh T.N (42 tuổi) và chị N.T.H (39 tuổi) có hoàn cảnh khó khăn, chồng làm thuê, vợ bán đậu phộng đắp đổi qua ngày “lỡ kế hoạch” đến đứa thứ 4. Ban đầu, khi nghe chị Hải tuyên truyền, anh N. khó chịu. Thấy nhà anh N. dột nát, chị Hải vận động chính quyền, đoàn thể địa phương hỗ trợ hơn 7 triệu đồng sửa lại. Rồi một ngày, anh N. nói: “Chị giúp tui đi đình sản nhé, 4 cái “tàu há mồm” rồi, vợ chồng tui quyết tâm không đẻ nữa. Đẻ nhiều khổ quá!”.  

Vận động 100 người, 1 người đi đặt vòng

Chị Hải kể, có lần, thuyết phục mãi được một đối tượng đi đình sản. Khi chị này đến một cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản, nghe cô y tá dọa về những tai biến thường gặp thì sợ quá, thôi ý định kế hoạch hóa gia đình.

Chị Hải cho biết, vận động 100 người, có 10 người đồng ý là mừng rồi nhưng đến ngày đi đặt vòng thì chỉ còn có… một người cũng là chuyện thường. Để khuyến khích, những người đi đình sản được nhận hơn 3 triệu đồng cùng thẻ bảo hiểm Bảo Việt trong 2 năm nhưng vì chưa hiểu, nhiều người còn ngại, không muốn đi.

Chị Hải vẫn nhận những cuộc điện thoại bất thường, thậm chí vào nửa đêm. Dù chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền, nhưng những người cán bộ làm công tác dân số lúc nào cũng như có con mọn với các công việc như: cùng người nhà đưa người đình sản đi, túc trực chờ kết quả, lo lắng, thăm hỏi, động viên… Không những thế, chị phải thường xuyên qua thăm hỏi, nếu biện pháp đó chưa đạt thì vận động dùng biện pháp khác. Đó là chưa kể, nếu có “vấn đề” gì, các gia đình “bắt đền” cán bộ dân số…

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.