.

Giấc mơ có thật

.

Tay xách túi vải, quần ống cao ống thấp, ánh mắt ngỡ ngàng là hình ảnh của nhiều bệnh nhân nghèo ở dải đất miền Trung khi vào khám, chữa bệnh ở Bệnh viện Ung thư (BVUT) Đà Nẵng.

Bác sĩ Trịnh Lương Trân, Giám đốc bệnh viện, cho biết: “Trước mắt, việc miễn phí cho bệnh nhân nghèo mới chỉ áp dụng ở Đà Nẵng và Quảng Nam, sau đó mới triển khai với các tỉnh khác. Bệnh nhân được miễn phí phải có thẻ BHYT dành cho người nghèo, hộ khẩu thường trú Đà Nẵng, Quảng Nam. Sau khi trừ phần được BHYT thanh toán, họ được miễn phí hoàn toàn chi phí điều trị”.

Người nhà cũng có phòng riêng

Đăng ký chờ khám tại khoa tầm soát ung thư, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng.
Đăng ký chờ khám tại khoa tầm soát ung thư, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng

Từ tờ mờ sáng, ông Lê Tự Nguyện (62 tuổi, ở tổ 7A, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) đã cùng vợ là bà Trần Thị Thuần (59 tuổi) chờ ở tiền sảnh trong ngày BVUT Đà Nẵng chính thức mở cửa đón bệnh nhân. Bà Thuần bị u vú đã nhiều năm nay. “Tui từng đưa vợ đi khám chữa bệnh ở nhiều bệnh viện lớn trong cả nước, nhưng ở đâu cũng đông nghẹt người. Đến đây, tui ngạc nhiên quá đỗi bởi khung cảnh y như trong công viên, không khí thoáng đãng. Các y, bác sĩ đón từ xa, lại rất niềm nở, thấy khỏe cả người!”, ông Nguyện vừa mân mê tà áo sờn, vừa nói. Bà Thuần có BHYT nên chi phí cũng đỡ phần nào.

Sau khi bà Thuần nhập viện, ông Nguyện được một cán bộ bệnh viện đon đả mời đến nghỉ ngơi và ở lại trong phòng tại khu nhà đồ sộ với nhiều tiện nghi hiện đại dành riêng cho người nhà bệnh nhân. Quá ngạc nhiên, ông Nguyện cười, khoe hàm răng đen xỉn: “Người nhà mà cũng có phòng riêng nữa hả? Tui có mơ không? Từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, tui đâu có thấy bệnh viện nào có phòng cho người nhà. Mấy lần đưa bà nhà đi chữa bệnh, tui toàn phải nằm dưới đất quen rồi”.

Khu nhà dành cho người nhà bệnh nhân có 5 tầng với 60 phòng và 576 giường. Mỗi phòng đều có bàn sinh hoạt chung, tủ riêng, phòng vệ sinh đẹp và đầy đủ tiện nghi. Đến bếp ăn từ thiện, ông Nguyện nói: “Có bếp ăn này thì đỡ cho bệnh nhân nghèo biết bao. Bị bệnh ung thư như bà nhà tui thì tiền bạc bao nhiêu cho đủ”.

Hiện BVUT đã tiếp nhận 55 bệnh nhân đến khám và điều trị, trong đó có 35 người ở Đà Nẵng, 8 bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị nội trú. Bác sĩ Trịnh Lương Trân, cho biết: “Bếp ăn từ thiện là tấm lòng của rất nhiều nhà hảo tâm, người góp cái chén, người góp đôi đũa, người cho gạo… để duy trì hoạt động của bếp bây giờ và sau này. Chúng tôi sẽ tiếp tục đón nhận mọi sự đóng góp... như đã từng nhận những tấn xi-măng, những tạ sắt thép cho đến hàng chục tỷ đồng của các cá nhân, đơn vị từng đóng góp để xây bệnh viện”.

Không còn sợ phải đến bệnh viện

Cũng có mặt từ khá sớm, ông Nguyễn Thanh Sơn (63 tuổi, ở Quảng Nam) và vợ lỉnh kỉnh xách theo khá nhiều thứ đồ đạc, thậm chí cả đồ ăn như bánh mì, sữa, trứng... Kinh nghiệm mà ông Sơn và vợ đúc kết được sau 4 năm có mặt ở nhiều bệnh viện để chữa ung thư hạch cho ông là phải mang theo đồ dùng, bởi giá cả tại những nơi này rất đắt đỏ. Đến BVUT Đà Nẵng, ông rất ngạc nhiên khi dạo quanh siêu thị do đơn vị Co.opMart đảm nhận thực hiện tại bệnh viện. “Thứ chi cũng có và cũng rẻ hơn vài ngàn đồng. Vậy mà tui không biết, đem nhiều thứ cho mệt. Với những nông dân như vợ chồng tui, tiết kiệm được đồng nào, đỡ đồng ấy là mừng rồi”, ông Sơn cười nói.

Còn vợ ông Sơn từ khi vào đây vui quá không nói nên lời. “Bọn tui chờ ngày này lâu lắm rồi vì đến đây được miễn phí toàn bộ, không phải lo cái chi, không còn sợ bệnh. Lâu nay, với người nghèo chúng tôi, bị ung thư coi như ký án tử hình rồi”, ông Sơn đỡ lời cho vợ. Vợ ông thì cầm chắc nịch cái sổ hộ nghèo trong tay như một thứ bùa hộ mệnh.

Với nhiều bệnh nhân ung thư nghèo tại miền Trung, BVUT như một giấc mơ có thật, được dệt nên bởi lòng nhân ái của bao người.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.