(ĐNĐT) - Hai ngày sau khi Thông tư số 30/2012/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành về việc “siết” chặt hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) có hiệu lực, hầu hết các chủ hàng rong ở Đà Nẵng đều cho biết, chưa nắm rõ, trong khi cơ quan chức năng cho hay, việc quản lý đối tượng hàng rong là không dễ.
Người dân chưa biết
Đã thành thông lệ, cứ tầm gần 5 giờ chiều hàng ngày, chị Thân Thị Ngộ (trú phường Nam Dương, quận Hải Châu) lại đã có mặt trước cổng trường THPT Trần Phú để bán bánh mỳ rong.
Hàng rong bán trước cổng trường nhưng không hề được che đậy. |
Toàn bộ “đồ nghề” của chị chỉ là chiếc thùng sắt nhỏ được chia ra ba ngăn: một ngăn để bánh mỳ, patê đã nấu chín, trứng gà tươi…, ngăn kia đựng than củi và ngăn giữa để chỗ cho chiếc bếp ga mini. Tất cả đặt gọn trên chiếc xe máy cũ. Khi bán hàng, toàn bộ số “đồ nghề” này trưng ra, song không hề có khung kính che đậy.
Chị cho hay, buổi sáng chị bán trước cổng trường THPT Phan Châu Trinh, còn buổi chiều bán tại đây. Công việc này cũng đã gắn bó với chị gần 20 năm qua.
Theo Thông tư 30 của Bộ Y tế, từ ngày 20-1-2013, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố cần bố trí cơ sở ở địa điểm cách xa các nguồn ô nhiễm. Thức ăn ngay, thực phẩm chín phải được để trong tủ kính, thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi nhặng, bụi bẩn, côn trùng, động vật gây hại và phải cao hơn mặt đất ít nhất 60cm. Nơi chế biến, nơi bán thức ăn ngay, thực phẩm chín phải sạch sẽ, thoáng mát và không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản; trang bị găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn ngay, thực phẩm chín. Nguyên liệu dùng để chế biến phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, bảo đảm an toàn theo quy định... Người bán thức ăn đường phố phải tham gia tập huấn về ATVSTP và được cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về ATVSTP; trang phục phải sạch, dùng găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc với thực phẩm… |
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về quy định của Thông tư 30 của Bộ Y tế về việc đảm bảo các điều kiện ATVSTP, chị tỏ ra bất ngờ vì “cũng không hiểu cụ thể là thế nào, tôi cũng chưa nghe”.
“Như tôi chạy lúc chỗ này, khi chỗ khác thì việc chở tủ kính là rất bất tiện nên để đơn giản vậy cho khỏe. Còn găng tay thì anh nhìn cả dãy hàng rong xung quanh như tôi có ai đeo đâu. Nhưng về việc đi tập huấn ATVSTP rồi khám sức khỏe thì cả hai vợ chồng năm nào cũng khám đầy đủ”, chị giải thích.
Đặt câu hỏi này với một chị đang bán dạo bắp, khoai nướng… trên đường Ngô Gia Tự, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời “chưa hề nghe nói” cùng với thái độ lo lắng, ngạc nhiên. Chị cho biết, đã mưu sinh với xe hàng rong này từ hơn 10 năm nay nhưng chưa bao giờ đi tập huấn về ATVSTP.
Quan sát trên xe này, cả thức ăn sống lẫn đồ ăn chín được để cùng trong một tủ kính nhỏ. Khi chế biến bắp xào, người bán không có găng tay; đồ ăn cũng chẳng được che đậy kỹ lưỡng… “Khách hàng của tôi toàn khách quen, họ ăn miết mấy năm nay nhưng có ai bị chi đâu, cần gì phải tập huấn với khám sức khỏe”, chị phân trần.
Bà Đỗ Thị Thu, một chủ hàng bánh canh ở đường Phan Châu Trinh đang tất bật phục vụ khách, khi được hỏi về quy định này cũng cho hay, quy định bán hàng là phải có găng tay thì ai cũng biết, “nhưng do đông khách quá, với lại hàng mới dọn ra nên chưa kịp đeo”.
Quản lý hàng rong từ gốc
Một xe hàng rong bán thức ăn cho khách trên đường Ngô Gia Tự. |
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP thành phố Đà Nẵng cho biết, về cơ bản thì những nội dung chính trong Thông tư 30 đã được triển khai từ 4-5 năm qua, chẳng qua là quy định mới được cụ thể hóa hơn.
“Những quy định này là phù hợp với loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, và người kinh doanh có thể thực hiện được để đảm bảo ATVSTP”, ông Tiến nói.
Ngay từ khi nhận được Thông tư 30 của Bộ Y tế, trong tháng 12-2012, Chi cục ATVSTP đã tổ chức hội nghị tập huấn cho các cán bộ chuyên trách công tác ATVSTP, cũng như phổ biến rộng rãi đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn để họ nắm rõ và thực hiện tốt.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng thừa nhận, việc quản lý vấn đề ATVSTP đối với hàng rong gặp nhiều khó khăn, bởi hàng rong thường bán không cố định về địa điểm cũng như thời gian hoạt động. Bên cạnh đó, do lực lượng thanh tra, kiểm tra trước kia chủ yếu làm theo cách “hớt ngọn”, tức là người bán ở đâu thì kiểm tra ở đó nên khó kiểm soát được chất lượng từ gốc.
“Do đó, chúng tôi đang có đề xuất các cấp trên về việc thành lập các đội quy tắc kiểm tra, nhắc nhở hàng rong ở trước các cổng trường, khu công nghiệp… về các quy định đảm bảo ATVSTP. Đồng thời, sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành rà soát những người bán hàng rong trên địa bàn mình, nắm rõ theo hộ khẩu hoặc nơi tạm trú và yêu cầu họ đăng ký hoạt động kinh doanh, tập hợp họ tham gia các lớp tập huấn về ATVSTP, cũng như khám sức khỏe định kỳ, cam kết đảm bảo ATVSTP nhằm quản lý hàng rong chặt chẽ từ gốc”, ông Tiến cho hay.
Theo thống kê, hiện Đà Nẵng có 5.384 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó có 5.158 cơ sở đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đảm bảo ATVSTP (chiếm tỷ lệ 95%). Trong số 3.078 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thì có hơn 2.915 cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đảm bảo ATVSTP (tuy nhiên số liệu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên chưa bao gồm hàng rong). |
Bài và ảnh: Đắc Mạnh