.

Sốt xuất huyết tăng đột biến

.

So với những năm trước, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) vào thời điểm cuối năm 2012 và những ngày đầu năm 2013 diễn biến phức tạp, nhiều ca bệnh phải nhập viện điều trị dài ngày, khiến Khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viện Đà Nẵng luôn trong tình trạng quá tải.

Theo thống kê của Khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viện Đà Nẵng, trong tháng 11-2012 chỉ có 348 bệnh nhân SXH đến khám và điều trị tại khoa. Trong tháng 12-2012, con số này tăng lên 720 ca.

Bệnh nhân SXH được điều trị tại bệnh viện.         Ảnh: PHƯƠNG CHI
Bệnh nhân SXH được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: PHƯƠNG CHI

Nhiều ca bệnh nặng

Trước tình hình bệnh nhân tăng đột biến, nhiều ca bệnh nặng phải điều trị dài ngày, Khoa Y học nhiệt đới đã xin tăng cường thêm 2 bác sĩ và 6 điều dưỡng, 1 hộ lý, đồng thời tăng giường bệnh từ 70 giường lên 110 giường để có chỗ nằm cho bệnh nhân điều trị. Dù vậy, bệnh nhân nhập viện trong tháng 12-2012 lên đến 192 ca, dẫn đến tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, Khoa Y học nhiệt đới còn phải huy động người nhà bệnh nhân cho máu để lấy tiểu cầu truyền cho 153 người bệnh.

Mặc dù trong tháng 1-2013, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị giảm so với những tháng trước, nhưng tính từ đầu tháng đến nay, Khoa Y học nhiệt đới ghi nhận 348 bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong đó có 47 bệnh nhân đang điều trị tại khoa do bệnh nặng.

Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng Khoa Y học nhiệt đới, cho biết SXH  là dịch bệnh theo mùa, dự báo bùng phát vào thời điểm đông xuân. Song, so với những năm trước, tình hình dịch bệnh năm nay có chiều hướng diễn biến phức tạp, trong đó có nhiều trường hợp bệnh nặng nếu không chữa trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Bác sĩ Hàm khuyến cáo, với trường hợp sốt cao, có những biểu hiện SXH, người bệnh không nên chủ quan tự chữa trị, mà nên đến ngay các trung tâm y tế để khám, tránh dẫn đến biến chứng nặng.

Hơn 95% trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng dưới 5 tuổi

Theo báo cáo hoạt động phòng chống dịch bệnh tháng 1-2013 của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, trên địa bàn Đà Nẵng có 58 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng (TCM), không có trường hợp tử vong. Các ca mắc chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi, chiếm tỷ lệ hơn 95%, trong đó trẻ em dưới 3 tuổi chiếm tỷ lệ hơn 84%.

Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, bệnh TCM tại Đà Nẵng có chiều hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao so với số ca mắc trung bình ở các tỉnh, thành phố khác trong khu vực. Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cho trẻ; vệ sinh ăn uống, làm sạch đồ chơi và nơi sinh hoạt của trẻ để phòng bệnh.

KIM NGÂN

Sốt xuất huyết trái mùa

Theo số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, tính từ đầu năm đến nay, có khoảng hơn 211 trường hợp mắc SXH tại 45/56 xã, phường, tăng hơn 100 lần so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm ngoái chỉ có 2 trường hợp mắc SXH). Trong đó, nhiều nhất ở quận Thanh Khê (48 ca), Hải Châu (41 ca), Sơn Trà (39 ca)…

Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm, cho biết: “Số ca mắc SXH trong 3 tuần đầu năm 2013 có dấu hiệu gia tăng trở lại với số mắc trung bình gần 80 ca/tuần. Chúng tôi đang triển khai giám sát ở những nơi có nguy cơ cao, đẩy mạnh chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng, tập huấn về chẩn đoán điều trị, trao đổi kinh nghiệm cho bác sĩ, điều dưỡng ở quận, huyện về phòng chống dịch SXH”.

Cũng theo bác sĩ Lãm, những năm trước, thời điểm này là cao điểm mùa lạnh, thông thường ít có bệnh nhân mắc SXH nhưng năm nay, thời tiết thay đổi bất thường, nắng nóng kéo dài đến gần cuối năm 2012 nên muỗi vẫn phát triển và truyền bệnh.

Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã chuẩn bị khoảng 400 lít hóa chất, đủ để phun, xử lý, nhất là tại những ổ dịch nhỏ. Hiện thành phố có 25 ổ dịch nhỏ, tập trung nhiều ở quận Hải Châu (8 ổ dịch), Thanh Khê (5 ổ dịch), Liên Chiểu (5 ổ dịch)… Các lớp tập huấn về các hoạt động phòng chống SXH cho các tổ trưởng tổ dân phố, cộng tác viên y tế cũng đang được triển khai. “Khó khăn hiện nay là người dân vẫn chủ quan trong phòng chống dịch bệnh, diệt lăng quăng. Nhiều nơi chưa có sự hợp tác tốt để phun xịt hóa chất”, bác sĩ Lãm nói.

Bác sĩ Lãm cũng đề nghị các địa phương nên kết hợp phong trào ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp, không chỉ dọn rác thải mà còn diệt bọ gậy, lăng quăng để góp phần hạn chế dịch bệnh.

Triệu chứng của bệnh SXH

Bệnh SXH (còn gọi là sốt Dengue) là bệnh nhiễm virus cấp tính do muỗi truyền. Bệnh có những biểu hiện khác nhau tùy mức độ ở nhiễm bệnh của từng người. Bệnh SXH có 3 biểu hiện cụ thể:

1- Bệnh sốt Dengue (SD) không có xuất huyết tự phát.

2- Bệnh SXH Dengue (SXHD) có những mức độ xuất huyết khác nhau như xuất huyết dưới da, niêm mạc và xuất huyết nội tạng. Xuất huyết dưới da thường gặp là những nốt chấm xuất huyết (petechiae), có thể diễn biến nặng là các ban xuất huyết (purpura), hoặc các bầm máu (ecchymosis), nơi nào trên cơ thể bị va chạm nhiều thì ở đó dễ bị xuất huyết nhiều.

3- Hội chứng sốc Dengue và dễ tử vong: khởi đầu của bệnh là sốt đột ngột kéo dài từ 2-7 ngày kèm theo mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, đau sau hốc mắt, đau lưng dọc theo các cơ và xương hoặc khớp, buồn nôn, nôn và nổi ban. Dấu hiệu xuất huyết nhẹ nhất là chảy máu cam, ngày có kinh kéo dài ở phụ nữ và dấu hiệu dây thắt dương tính.

Bệnh tiến triển nặng biểu hiện ở xuất huyết dưới da có thể lan rộng toàn thân, xuất huyết nội tạng với triệu chứng nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen, gan to. Có thể dẫn đến hội chứng sốc Dengue với biểu hiện: bệnh nhân vật vã li bì, chân tay lạnh, nổi da gà, mạch nhanh, huyết áp hạ... có thể dẫn đến tử vong. Những trường hợp này xét nghiệm thấy bạch cầu, tiểu cầu giảm và hematocrit tăng.  

(Nguồn: Bộ Y tế)

PHƯƠNG CHI - KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.