.

Thực hiện Thông tư 30 của Bộ Y tế: Người chưa biết, kẻ thờ ơ

.

Mặc dù Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố có hiệu lực đã vài ngày, nhưng cũng như ở các địa phương khác trên cả nước, việc thực hiện Thông tư này tại Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn, nhất là với những người buôn bán hàng rong.

hàng rong bày bán không được che đậy.                         Ảnh: PHƯƠNG trà
hàng rong bày bán không được che đậy.             Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Kiểm tra thì… chạy   

Dạo một vòng quanh thành phố ngày 23-1, các quầy hàng bán ngoài vỉa hè, hàng bán rong vẫn bày bán lộ thiên, ít được che đậy, hứng trọn bụi đường và khói xe của dòng người qua lại. Trước cổng Trường tiểu học Trần Thị Lý (đường Thanh Sơn, quận Hải Châu) vẫn có khá đông xe bán hàng rong lưu động chờ sẵn. Thoăn thoắt dùng tay gắp, thậm chí bốc chả chiên bán cho học sinh, một chị bán hàng tên Ba gắt gỏng: “Bốc còn không kịp mà găng tay gì. Tui bán ở đây đã gần chục năm rồi, có thấy ai kiểm tra gì đâu. Giờ kiểm tra thì tui chạy chứ biết sao giờ”.

Theo Thông tư 30, quầy hàng này vi phạm các quy định: Người bán không đeo găng tay, thức ăn chín chế biến xong không được che đậy kỹ lưỡng… Cạnh đó, một người bán hàng thản nhiên dùng tay bốc bánh bao bán cho học sinh, lâu lâu chị lại chùi tay vào chiếc khăn bẩn để bên cạnh rồi lại tiếp tục bán. Khi được hỏi về Thông tư 30, người này ngơ ngác.

Trong khi đó, Thông tư quy định: Người bán thức ăn đường phố phải tham gia tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và được cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về VSATTP; trang phục phải sạch, dùng găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc với thực phẩm; các phương tiện kinh doanh thực phẩm ăn ngay đối với hàng bán rong phải có khoang riêng chứa thực phẩm chín, bảo đảm chống được bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng… Về những điều này, hầu hết các hàng rong và nhiều hàng ăn trên địa bàn thành phố đều không đáp ứng được.

Tận dụng mảnh đất trống góc đường Nguyễn Chí Thanh giao với Lý Tự Trọng, các hộ dân bày bán bánh canh, chả chiên…, trong đó nhiều mặt hàng vẫn không che đậy. Hỏi về việc thực hiện Thông tư 30, chủ quán cho biết có nghe nói nhưng chưa rõ lắm, cũng không thấy ai kiểm tra nên “mặc kệ”. Trong khi đó, các thực khách vẫn xì xụp bên tô bánh canh.

Thông tư 30 quy định: Người đang mắc các bệnh truyền nhiễm sẽ không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm, không được tham gia kinh doanh thức ăn đường phố. Tuy nhiên, khách hàng cũng rất khó kiểm tra được người nấu thức ăn cho mình có mắc bệnh truyền nhiễm hay không. “Mình tiện quán nào thì ghé vào ăn chứ đâu có ăn cố định một điểm. Hơn nữa, mình có phải là cán bộ y tế đâu mà dám hỏi họ chuyện đó. Không khéo còn bị mắng nữa”, anh Nguyễn Hữu Hùng (30 tuổi, nhân viên một công ty viễn thông) cho biết.  

Khó quản lý

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thành phố Đà Nẵng, ngay sau khi Thông tư 30 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 20-1, bên cạnh việc kiểm tra ATVSTP trong dịp Tết Nguyên đán 2013, chi cục cũng triển khai thực hiện các nội dung trong Thông tư 30. Qua kiểm tra, chi cục đã cấp chứng nhận ATVSTP cho 2.868/3.075 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố cố định, đạt tỷ lệ 93,3%. Dù vậy, từ ngày Thông tư 30 có hiệu lực đến nay, Chi cục ATVSTP chưa xử lý trường hợp nào vi phạm.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP thành phố Đà Nẵng, cho rằng với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố cố định, việc kiểm tra, quản lý tương đối dễ. Khó khăn nhất là công tác quản lý, kiểm tra đối với những người buôn bán hàng rong. Bởi lẽ, người buôn bán hàng rong luôn di chuyển, các lực lượng chức năng không thể kiểm tra được nguồn nguyên liệu. Còn việc xử phạt theo Nghị định 91/2012-NĐ-CP của Chính phủ cũng khó thực hiện được, vì mức phạt vi phạm từ 500.000 đồng - 3 triệu đồng, nhưng nhiều gánh hàng rong chỉ có giá trị vài trăm ngàn đồng nên người vi phạm sẵn sàng bỏ của chạy lấy người.

Mặc dù hiện tại gặp phải một số khó khăn trong việc triển khai thực hiện Thông tư 30, nhưng ông Nguyễn Minh Tiến quả quyết, trong thời gian đến sẽ đề nghị chính quyền các địa phương, nhất là UBND phường, xã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra đối với các đối tượng buôn bán hàng rong trên địa bàn mình phụ trách. Đồng thời, có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, những người buôn bán hàng rong nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm những quy định của Thông tư 30.

PHƯƠNG CHI - PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.