.

Ưu tiên giảm tải, không để người bệnh nằm ghép

.

(ĐNĐT) - “Từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện ở hai khu vực khám bệnh và nội trú, phấn đấu không để người bệnh phải nằm ghép trong bệnh viện. Trước mắt, tập trung giải quyết tình trạng quá tải ở các chuyên khoa ung bướu, ngoại-chấn thương, tim mạch, sản và nhi thuộc một số bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”.

Đó là mục tiêu cơ bản nằm trong Quyết định số 92/QĐ-TTg của “Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020” vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 9-1-2013.

Bệnh nhân phải nằm ghép 2 người/giường tại bệnh viện Đà Nẵng.

Do quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép 2 người/giường (Ảnh chụp tại Bệnh viện Đà Nẵng).

Theo đó, “Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020” sẽ tập trung giải quyết 4 mục tiêu, gồm:

Giảm công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện có công suất sử dụng giường quá cao (>120%) thuộc tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh xuống dưới 100%. Cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép vào năm 2015. Phấn đấu từ năm 2020 không còn tình trạng quá tải tại bệnh viện.

Nâng công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh hiện có công suất sử dụng giường bệnh thấp đạt 60% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020.

Giảm thời gian và lưu lượng người chờ khám bệnh tại khoa khám bệnh của các bệnh viện hiện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao. Mỗi bác sĩ khám bệnh không quá 50 người/ngày vào năm 2015 và 35 người/ngày vào năm 2020.

Tăng số giường bệnh công lập trên phạm vi cả nước phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh, trong đó ưu tiên đối với 5 chuyên khoa: ung bướu, ngoại-chấn thương, tim mạch, sản và nhi.

Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, Chính phủ yêu cầu ngành y tế tập trung vào các hoạt động cụ thể như: đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng bệnh viện, phấn đấu năm 2015 tăng 7.150 giường bệnh; tiếp tục cải tạo, mở rộng và từng bước hiện đại hóa khoa khám bệnh của các bệnh viện hiện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao ở các tuyến Trung ương; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới bệnh viện của cả nước và của từng địa phương.

Ưu tiên thành lập mạng lưới bệnh viện vệ tinh của 5 chuyên khoa: ung bướu, ngoại-chấn thương, tim mạch, nhi và sản theo hướng lấy một số bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối cùng của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh làm bệnh viện hạt nhân. Thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới trạm y tế xã trong cả nước.

Theo đúng lộ trình, Đề án sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 2013-2015, tập trung ưu tiên đầu tư các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối cùng của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Giai đoạn 2016-2020 sẽ tiếp tục đầu tư cho các bệnh viện thuộc phạm vi Đề án từ trung ương đến địa phương.

Được biết, hiện tại ở Đà Nẵng, tình trạng quá tải tại một số bệnh viện công lẫn tư nhân vẫn còn tồn tại. Công suất sử dụng giường bệnh toàn ngành y tế thành phố trong năm 2012 đạt 143,2%, tăng gần 18,5% so với năm 2011. Trong đó, các cơ sở y tế từ thành phố xuống tuyến quận, huyện đều hoạt động quá công suất.

Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.