.

Xây dựng mô hình bệnh viện điện tử

.

Mỗi ngày, Bệnh viện Đà Nẵng (BVĐN) khám, cấp cứu trung bình 1.500 lượt bệnh nhân, thu dung điều trị nội trú khoảng 2.000 người bệnh. Để giải quyết tình trạng quá tải, từ giữa năm 2012, BV áp dụng hệ thống quản lý hiện đại theo mô hình BV điện tử nhằm rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính.

Quản lý dữ liệu bệnh nhân qua mạng giúp Khoa Hồi sức cấp cứu giảm áp lực về ghi chép sổ sách.
Quản lý dữ liệu bệnh nhân qua mạng giúp Khoa Hồi sức cấp cứu giảm áp lực về ghi chép sổ sách.

Số hóa dữ liệu bệnh nhân

Bác sĩ Phạm Như Mẫn, phụ trách công nghệ thông tin của BVĐN, cho biết để xây dựng hệ thống quản lý đồng bộ, hơn 200 máy tính được lắp đặt và đấu nối bằng hệ thống cáp quang tại 43 khoa, phòng để phục vụ công tác theo dõi số lượng bệnh nhân khám và điều trị trong bất cứ thời điểm nào trong ngày. Số bệnh nhân khám, thứ tự, số lưu đăng ký, ngày vào viện… được hiển thị rõ thông qua một cái nhấp chuột của đội ngũ điều dưỡng.

“Khi bệnh nhân đến khám, chúng tôi nhập mã số vào máy tính và lưu giữ hồ sơ khám trên hệ thống quản lý được số hóa. Người bệnh đó, lần sau đến khám sẽ có dữ liệu thông tin được lưu trữ nên đỡ mất thời gian”, bác sĩ Mẫn giải thích.

Điều đặc biệt là phần mềm quản lý, sử dụng, theo dõi thông tin được chính các cán bộ, bác sĩ của BVĐN mày mò, nghiên cứu sáng tạo trên cơ sở thực tế tình hình thu dung khám, chữa bệnh của BV. Khi gặp những trục trặc hoặc bổ sung quy định mới thì việc chủ động điều chỉnh được tiến hành trong thời gian ngắn. Nhờ vậy, khi triển khai thực hiện áp dụng viện phí mới theo quy định của Bộ Y tế (từ ngày 1-1-2013) BVĐN hầu như không gặp trở ngại lớn trong việc triển khai thanh toán mức viện phí mới, giảm phiền hà cho người bệnh.

Nhờ số hóa hệ thống dữ liệu nên từ giữa năm 2012 đến nay, tình trạng quá tải tại khoa khám cấp cứu đã giảm. Một trong những tiện ích rõ nét nhất của hệ thống dữ liệu điện tử của BVĐN là dễ dàng theo dõi lượng bệnh nhân khám BHYT, đồng chi trả viện phí… Trên cơ sở đó, cơ quan Bảo hiểm cũng dễ dàng kiểm soát công tác khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT, cũng như việc kê khai thuốc điều trị cho người bệnh của bác sĩ. Chị Lê Thị Lai, Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu thuộc BVĐN, chia sẻ, ban đầu triển khai, 36 điều dưỡng của khoa được tập huấn thao tác nhập dữ liệu, xử lý lệnh trong máy tính khoảng 1 tuần. Bây giờ mọi thao tác đều thực hiện thuần thục, giảm gánh nặng ghi chép sổ sách. Nhờ vậy, Khoa Hồi sức cấp cứu dẫu luôn quá tải nhưng việc quản lý bệnh nhân dễ dàng và nhanh chóng hơn trước khá nhiều.

Quản lý từng viên thuốc

Theo bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc BVĐN, việc ứng dụng hệ thống quản lý dữ liệu phục vụ người bệnh là nội dung lớn trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính của BV. “Nhanh hơn, hợp lý hơn, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ có thêm thời gian thăm khám, tư vấn sâu hơn cho người bệnh là mục tiêu hướng đến của BVĐN khi triển khai mô hình quản lý dữ liệu qua máy tính. Đây là tiền đề quan trọng để BV nâng cấp và ứng dụng mô hình BV điện tử trong thời gian tới”, bác sĩ Thạnh cho biết.

Thạc sĩ, dược sĩ Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Khoa dược BVĐN, cho biết việc áp dụng quản lý theo dõi thông tin qua hệ thống mạng đã giúp cho công tác quản lý thuốc của BV ngày càng khoa học hơn. Cụ thể, trước đây điều dưỡng làm công tác dược phải đọc hồ sơ bệnh án, tổng hợp riêng từng loại thuốc vào “sổ tổng hợp thuốc”. Sau đó phân loại từng nhóm thuốc đã tổng hợp viết ra phiếu lĩnh thuốc và xuống kho dược để được cấp phát. Nay tất cả đưa vào máy tính và in phiếu lĩnh thuốc tại Khoa Dược. Việc làm này không những nhanh chóng cấp thuốc đến tay người bệnh mà còn hạn chế sai sót trong khâu quản lý, sử dụng thuốc an toàn hơn cho bệnh nhân.

Với người bệnh, mong muốn đầu tiên khi đến BV là không phải ngồi đợi lâu mà được bác sĩ thăm khám sớm. Nếu có chỉ định điều trị nội trú thì mọi thủ tục hành chính cần thiết phải tiến hành nhanh, ít đi lại nhiều. Do vậy, nhiều người bệnh cảm thấy hài lòng khi BVĐN áp dụng số hóa trong quản lý bệnh nhân.

Bài và ảnh: Diệu Minh

;
.
.
.
.
.