.

Chuyện 115

.

Chiếc xe cấp cứu lao nhanh đến hiện trường tai nạn ngay sau khi tổng đài 115 nhận được cuộc gọi. Khi tính mạng của người bệnh chỉ còn được tính bằng phút, bằng giây, các y, bác sĩ phải chạy đua với thời gian để giành lại sự sống từ tay tử thần.

Theo chân các cán bộ y tế của Trung tâm Cấp cứu thành phố Đà Nẵng, chúng tôi càng hiểu đằng sau những chuyến xe 115 lao vun vút trên đường là bao nỗi niềm thầm lặng.

Xe cấp cứu đưa bệnh nhân từ quận Cẩm Lệ về Bệnh viện Đà Nẵng.                       Ảnh: THU HOA
Xe cấp cứu đưa bệnh nhân từ quận Cẩm Lệ về Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: THU HOA

Áp lực lớn

Sau khi “lên dây cót” cho chúng tôi bằng một câu “xanh rờn”: “Phải luôn bám chặt thành xe, kẻo một lúc sau sẽ không thấy các bạn đâu”, đội cấp cứu mời chúng tôi lên xe cùng tham gia một chuyến thực tế.

Vì mọi hoạt động đều nhanh như cắt, không được phép chậm trễ nên khi chiếc xe vừa xé gió lao đi trên đường với vận tốc gần 100km/giờ, chúng tôi đã cảm thấy hoa mắt, chóng mặt. “Chừng ni chưa chi, dù đã quen với tốc độ cấp cứu nhưng lần gần đây em say nhào vì xe phóng vun vút để đưa bệnh nhân gần tắt thở từ một xã miền núi đến bệnh viện tại trung tâm thành phố”, Thu Hồng (sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Y tế 2 Đà Nẵng) đang thực tập tại Trung tâm Cấp cứu thành phố cho hay.

Xe vừa đến hiện trường, cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi là vụ tai nạn do va chạm giữa hai xe máy tại đường Bạch Đằng, xung quanh là những người hiếu kỳ. Máu. Tiếng rên la đau đớn. Tiếng gào khóc thảm thiết của người nhà nạn nhân... Không gian như ngưng lại. Nhiều người “yếu bóng vía” không dám lại gần. Rất nhanh, các y, bác sĩ xuống xe trực tiếp kiểm tra, sơ cứu, băng bó cố định cho nạn nhân và đưa lên xe truyền dịch trên đường đi thẳng đến bệnh viện. Lúc đi đã “căng như dây đàn”, lúc về càng khẩn trương hơn. Tiếng thúc giục, van nỉ của người nhà không ngớt xen lẫn tiếng rên la, tiếng va chạm lách cách của các dụng cụ y tế. Dù cho xe chạy khá nhanh nhưng lái xe Nguyễn Đăng Minh Huy (36 tuổi) vẫn bình tĩnh tránh được những pha chạy ẩu của các “quái xế” để đưa bệnh nhân và kíp trực về đến Bệnh viện Đà Nẵng an toàn.

Không chỉ y, bác sĩ tiếp xúc trực tiếp bệnh nhân mới gặp áp lực cấp cứu, mà những người cầm vô-lăng cũng chịu sức ép không kém. Dù những người lái xe cứu thương đã qua tuyển chọn khắt khe (những người vững về tay lái, tâm lý, cũng như khả năng phản ứng nhanh), nhưng ngồi thực tế trên xe Ambulance (xe cứu thương) lại là vấn đề khác. Có người qua đào tạo, lái thử xe cấp cứu suốt 6 tháng nhưng khi chạy thật thì... tông vào garage vì “khớp”. Không phải cứ cấp cứu là được chạy nhanh - đó gần như là bài học ngoài sách vở của đội lái xe 115. “Bệnh nhân bị chấn thương đốt sống cổ, tim mạch mà mình chạy nhanh là không được. Đường đông quá cũng không thể chạy nhanh vì như vậy có khi cứu một mạng người mà gây hại cho nhiều người”, anh Thành, một tài xế có 10 năm kinh nghiệm nói. Tuy vậy, nhiều người nhà bệnh nhân không hiểu nên luôn thúc lái xe phải tăng tốc.

Quen “đòn”

Một người dày dạn kinh nghiệm như bác sĩ Ngô Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu thành phố nghẹn lời khi chia sẻ về những va chạm đắng cay trong nghề nghiệp. Lắm lúc lực lượng cấp cứu bị mắng xối xả ngay khi tiếp cận hiện trường. Có lần bác sĩ Thảo bị người nhà bệnh nhân dọa đánh khi cho rằng chị cố tình kéo dài thời gian. Đã quá quen “đòn”, chị bình tĩnh trả lời: “Để tôi cứu bệnh nhân xong, anh muốn chửi, muốn đánh gì thì để sau”.

Còn với y sĩ Võ Thị Kim Lai (46 tuổi), chị từng bị tấn công bằng vũ lực từ đám người lạ mặt. Chuyện là cách đây mấy năm, gần 24 giờ, y sĩ Lai được điều đi xử lý một vụ tai nạn giao thông tại bùng binh Nguyễn Tri Phương - Lê Độ. Đến nơi, một nhóm thanh niên vây quanh la lối và bất ngờ đánh vào đầu chị, rồi dùng ghế hành hung tài xế 115. Họ còn chặn đầu xe không cho chở bệnh nhân về Bệnh viện Đà Nẵng khiến cả đội phải hướng đến Bệnh viện C17 rồi nhờ Công an giải quyết. Đến nay, y sĩ Võ Thị Kim Lai cũng không hiểu động cơ và nguyên nhân nào dẫn đến hành động quá khích như vậy. Chị chỉ biết rằng, lúc lên xe gặng hỏi, thì mới hay những người đó không hề thân thích với nhau và người bị nạn cũng vừa bị chúng lợi dụng cướp sạch giấy tờ, tiền bạc.

Bác sĩ Thảo chia sẻ thêm, việc cán bộ y tế bị hành hung không phải là chuyện lạ. Song, nếu việc xảy ra ở bệnh viện thì y, bác sĩ còn được bảo vệ, nhưng tại hiện trường, họ đơn thân chống chọi nên rất nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, ngược với sự cầu cứu thảm thiết từ phía bên kia đầu dây đến tổng đài 115 là sự lạnh lùng khi người bệnh đã được giành lại sự sống. Trong ký ức nhiều năm làm công tác cấp cứu, các cán bộ tại trung tâm chỉ nhớ vỏn vẹn 2 trường hợp quay lại cảm ơn. Đó là một cụ ông (đường Cách mạng Tháng Tám) đã tắt thở vì hen phế quản nhưng nhờ cấp cứu kịp thời nên sống lại. Ba tháng sau sức khỏe hồi phục, cụ đến trung tâm với giỏ quà và bức thư tay bày tỏ sự tri ân. Một bệnh nhân khác đã mang tặng các bác sĩ một con cá to như một cách cảm ơn thiết thực của người làm nghề biển. Những tình cảm giản dị đó khiến đội ngũ làm cấp cứu được an ủi sau nhiều va chạm không mong muốn. Các cán bộ bộc bạch: “Không bị mắng là may rồi. Có người sau khi lớn tiếng với mình đã đến xin lỗi rồi cười xòa. Còn lại chẳng mấy ai cảm ơn vì họ nghĩ cấp cứu là nghĩa vụ của đội”.

Xin đừng vô cảm!

Những nhọc nhằn của nghề cấp cứu khó mà chia sẻ bởi đó là chuỗi công việc tiếp nối ngày đêm, phức tạp trăm bề. Tuy nhiên, như tâm sự của bác sĩ Thảo, theo nghề thì cũng mang lấy cái nghiệp nên từ lái xe, điều dưỡng, y, bác sĩ đều bình thản đón nhận tất cả buồn vui.

Buồn nhất là lúc cả đội gặp “mìn”, tức những cuộc gọi 115 chỉ để... cho vui. Thực tập sinh Thu Hồng mới học việc tại trung tâm một tháng đã chứng kiến hàng loạt cuộc gọi cấp cứu giả. Hồng nói: “Có khi 3 giờ sáng, cả đội tức tốc đến hiện trường mới biết bị lừa”. Một anh trong tổ lái xe cho biết thêm: “Họ cứ gọi liên tục, mình đến đúng địa chỉ thông báo thì đó là một quán cà-phê và có một nhóm người đang ngồi uống nước cười ầm lên”.

Theo thông tin cung cấp từ Ban Giám đốc trung tâm, có khi một buổi sáng có đến 20 cuộc gọi “nháy” máy. Việc làm này vô tình gây nghẽn mạng tổng đài. Bưu điện không cung cấp được thông tin khách hàng, trung tâm lại không có chế tài xử phạt các đối tượng quậy phá nên người thiệt hại nặng nhất ở đây là bệnh nhân thật sự đang cần cấp cứu.

Đội xe cấp cứu thành phố hiện có 8 chiếc đang sử dụng được. Trong đó, chiếc cũ nhất đời 1999, mới nhất đời 2010. Tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 1 triệu dân/15 đầu xe. Đà Nẵng cần thêm khoảng 7 xe cấp cứu nữa mới bảo đảm việc phủ sóng tất cả các địa phương và tiếp cận kịp thời hiện trường.

Trung tâm Cấp cứu thành phố với 5 trạm vệ tinh hiện có 76 người, trong đó có 6 bác sĩ, 20 lái xe. Ban giám đốc Trung tâm cho biết, rất khó thu hút thêm bác sĩ về đây, vì mức độ công việc và thu nhập chưa tương xứng.

KIM NGÂN - THU HOA

;
.
.
.
.
.