.

Tự hào "Blouse trắng”

.

(ĐNĐT) - Có thể đó là một hộ lý, kỹ thuật viên hay một bác sĩ trẻ và mỗi người có những chuyên môn công việc, ở những độ tuổi khác nhau, song tất cả ở họ đều có một điểm chung: luôn hết lòng với bệnh nhân để đem lại niềm vui, sức khỏe cho mọi người. Và họ đã vinh dự được nhận giải thưởng “Tỏa sáng Blouse trắng” cao quý do UBND thành phố Đà Nẵng lần đầu tiên tổ chức, trao tặng nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2).

Kỹ thuật
Bác sĩ Thành đang rửa phim trong thuốc hiện hình.

Bác sĩ Đinh Quang Thành (sinh năm 1975), Kỹ thuật viên y khoa, Phòng X-quang, Khoa thăm dò chức năng và cận lâm sàng, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng: Làm lợi cho nhà nước.

Là người gốc Huế, nhưng từ khi ra trường đến nay, anh đã có 12 năm gắn bó và cống hiến công sức cho thành phố Đà Nẵng. Với nhiệm vụ thực hiện chụp tất cả các kỹ thuật X-quang và chẩn đoán bệnh trên các phim đã chụp, anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và đã có nhiều cố gắng trong công tác phục vụ và chẩn đoán bệnh. Điều này không chỉ giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh một cách chính xác, đem lại uy tín cho bệnh viện cũng như đem lại những niềm vui không nhỏ cho bệnh nhân.

Khi mới tiếp xúc, có thể cảm nhận anh là một người khá nhút nhát, nhưng trong mọi hoạt động công tác của Công đoàn, Chi đoàn như: các Hội thi văn nghệ, thể thao… anh đều tham gia nhiệt tình và đạt được nhiều thành tích đáng kể. Bản thân anh cũng đã 3 lần tham gia “hiến máu nhân đạo” góp phần cứu chữa bệnh nhân.

Đặc biệt, bên cạnh một số sáng kiến cải tiến tích cực góp phần giải quyết tốt công việc chuyên môn như: sáng kiến “Bộ khu trú Balitin-Định vị vị vật hốc mắt” hay cải tiến “Tư thế chụp Hirtz”… thì anh cũng chính là chủ của sáng kiến “Cải tiến quy trình rửa phim X-quang tiết kiệm chi phí” được đánh giá cao.

Qua quá trình sử dụng máy rửa phim tự động Ecomax thay thế cho quy trình rửa phim cổ điển (rửa bằng tay), anh Thành nhận thấy, quy trình rửa phim cổ điển mất thời gian nhiều; dễ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe nhân viên X-quang như viêm mũi, xoang, viêm da dị ứng… Còn phương pháp rửa phim tự động thời gian rửa phim rất nhanh; kỹ thuật viên sẽ đỡ vất vả hơn nhiều, song mức độ tiêu hao hóa chất nhiều hơn; thỉnh thoảng làm kẹp film dẫn đến hỏng film...

Từ đó, anh có sáng kiến là tiến hành tách phần thuốc hiện hình (developer) từ máy chuyển ra ngoài rửa bằng phương pháp cổ điển. Ngăn đựng thuốc hiện hình được thay thế bằng nước sạch bình thường, còn công đoạn rửa phim thì bằng phương pháp tự động.

Sau khi rửa hiện hình bằng phương pháp cổ điển, phim được đưa vào khay nạp phim của máy tự động. Lúc đó máy được kích hoạt chuyển phim vào ngăn nước lạnh, đến ngăn định hình. Sau đó, phim được sấy khô và đưa ra ngoài, đảm bảo đúng một quy trình rửa phim.

Với sáng kiến mới áp dụng này, thời gian rửa phim nhanh bằng phương pháp rửa phim tự động; lượng thuốc rửa tiêu hao ít bằng phương pháp cổ điển (bình quân rửa máy phải thay thuốc một tuần/lần, nay một tháng mới thay một lần). Từ tháng 7-2010 đến nay, sáng kiến này đã tiết kiệm cho Bệnh viện Mắt Đà Nẵng khoảng 80 triệu đồng.

Hộ lý Lê Thị Đẩy chăm sóc bệnh nhân
Hộ lý Lê Thị Đẩy chăm sóc bệnh nhân.

Hộ lý Lê Thị Đẩy (sinh năm 1963), nhân viên khoa Da, Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng: Không quản ngại chăm sóc cho bệnh nhân HIV/AIDS.

Là người gắn bó với công việc của một hộ lý, phục vụ chăm sóc người bệnh từ năm 1990 đến nay, chị Đẩy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, tận tình giúp đỡ người bệnh, nhất là với những người bệnh nặng và bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS mà không hề ngại khó khăn, vất vả.

“Lúc mới làm công việc này, bản thân và nhiều người thân trong gia đình tôi cũng khá lo lắng. Cũng có nhiều ngăn cản vì sợ tôi không may bị lây từ bệnh nhân thì khổ cho con cái. Nhưng khi quyết tâm gắn bó với việc này, tôi đã có những hiểu biết cơ bản nên riết rồi quen tới giờ”, chị Đẩy bộc bạch tâm sự về cái “duyên” đến với công việc đã gắn bó hơn 20 năm qua.

Công việc của chị thường bắt đầu từ 6 giờ sáng nhưng ngày nào cũng phải đi từ trước đó cả một tiếng. Không chỉ dọn vệ sinh buồng bệnh, thay quần áo cho bệnh nhân… mà chị còn thường xuyên tham gia hỗ trợ cùng điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân, đưa người bệnh đi khám bệnh, siêu âm…

“Nhiều lúc bị bệnh nhân họ cấu gắt, la mắng… cũng cảm thấy tủi thân. Thế nhưng, về nhà con động viên, tôi lại yên tâm và cố gắng để làm tốt hơn nữa công việc của mình. Tôi chỉ tâm niệm một điều, đối với ai, mình cũng luôn vui vẻ và chăm sóc tận tình như người thân trong gia đình mình vậy”, cô thật thà chia sẻ.

Bác sĩ Kim Văn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, đánh giá cao những cống hiến trong hơn 20 năm qua của nữ hộ lý tiêu biểu này. Ông Hùng cho biết, nhiều lúc đối với chị Đẩy, chẳng bao giờ biết được thời gian nghỉ phép hay nghỉ bù là gì. Tuy nhiên, chị chẳng hề than mà luôn vui vẻ, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trong những năm qua, nữ hộ lý này luôn được người bệnh khen ngợi về tinh thần, thái độ phục vụ và đạt danh hiệu Lao động tiên tiến trong nhiều năm liền. “Chị Đẩy hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng cao quý này”, bác sĩ Hùng nói.

Bác sĩ Toàn thăm khám bệnh nhân.
Bác sĩ Toàn thăm khám bệnh nhân.

Bác sĩ Võ Phước Toàn (sinh năm 1982), Khoa Nội - Lây, Trung tâm Y tế quận Hải Châu (Đà Nẵng): Người bác sĩ trẻ tận tâm.
Quê gốc ở Mộ Đức (Quảng Ngãi), sinh ra ở Nha Trang (Khánh Hòa) nhưng sau khi tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa ở Huế, anh lại quyết định chọn Đà Nẵng làm nơi cống hiến tuổi trẻ của mình.

“Lúc đầu gia đình cũng muốn tôi về công tác gần nhà cho tiện, nhưng trót thích cuộc sống yên bình ở một “thành phố đáng sống”, nên khi quyết định ở lại làm việc tại Đà Nẵng, gia đình cũng ủng hộ và động viên tôi yên tâm cống hiến cho công việc của mình”, anh tâm sự.

Trong hơn 4 năm công tác tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu, tuy bệnh nhân đông nhưng anh luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc công tác khám và điều trị, không để xảy ra bất cứ một sai sót nào về chuyên môn, được người bệnh tin yêu, quý mến.

Không chỉ là một bác sĩ trẻ giỏi chuyên môn, anh còn là một Bí thư chi đoàn cơ sở hoạt động năng nổ. Hầu hết các hoạt động từ thiện, xã hội như: khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí; hiến máu nhân đạo, các hoạt động cộng đồng… anh đều tham gia hết mình.

Đặc biệt, anh cũng đã mạnh dạn đề xuất với Ban chấp hành Đoàn thành lập một “Ngân hàng máu sống” tại đơn vị với sự tham gia của 31 đoàn viên, sẵn sàng cung cấp máu khi có trường hợp cấp cứu khẩn cấp.

“Nhận được giải thưởng này tôi rất hạnh phúc, và tôi biết mình còn phải cố gắng thật nhiều trong chuyên môn cũng như trong các hoạt động xã hội để xứng đáng với sự tin tưởng, yêu mến của mọi người dành cho mình”, vị bác sĩ trẻ tâm sự.

Đắc Mạnh

 

;
.
.
.
.
.