.

Bất cập trong quản lý thức ăn đường phố

.

(ĐNĐT) - Lâu nay, người dân thường có thói quen sử dụng các loại thức ăn đường phố (TĂĐP) bởi sự tiện lợi, giá thành lại rẻ. Song, các loại thức ăn này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), có thể gây ngộ độc và các dịch bệnh liên quan. Tuy nhiên, việc quản lý các cơ sở kinh doanh TĂĐP này đang gặp nhiều khó khăn.

Khó kiểm soát!

Sau vụ ngộ độc mới đây làm 27 người dân (trong đó có 5 trẻ em) bị đau bụng, tiêu chảy, mất nước... do cùng ăn bánh mì mua tại cơ sở bánh mì bán dạo của bà Thái (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) và phải nhập viện điều trị, người dân càng lo lắng hơn trước nguy cơ mất ATVSTP tại các cơ sở kinh doanh TĂĐP.

Tuy nhiên, qua khảo sát quanh các tuyến đường trên địa bàn các quận: Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu - những nơi vốn tập trung nhiều người buôn bán hàng rong nhất - cho thấy các điều kiện chế biến, bảo quản thức ăn chưa đảm bảo.

..
Một yêu cầu cơ bản là phải sử dụng tạp dề trong khi buôn bán, nhưng đa số cơ sở kinh doanh TĂĐP chưa làm được.

Điều đáng nói là vẫn còn phổ biến tình trạng người bán hàng rong vi phạm các quy tắc ATVSTP như: bày bán thức ăn không đúng cách, không có đồ che chắn kỹ lưỡng… . Ngay cả với một yêu cầu cơ bản là phải sử dụng tạp dề trong khi buôn bán, thì đa số cơ sở kinh doanh TĂĐP chưa làm được.

Khi được hỏi về các yêu cầu, quy định cơ bản để được đủ điều kiện kinh doanh TĂĐP, một số người bán TĂĐP chọn cách im lặng, trong khi số khác thì chung nội dung trả lời: "Chúng tôi bán bao lâu nay chưa có ai bị ngộ độc thì lo cái gì (!?)". Đáp án không khiến chúng tôi bất ngờ. Bởi điều này dường như đã có từ rất lâu trong suy nghĩ chủ quan của họ.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) - một phường ở khu vực trung tâm của Đà Nẵng thì đây là nơi số cơ sở hàng rong, TĂĐP tập trung nhiều nhất, với khoảng 200 cơ sở. Trong đó, chỉ có 80 cơ sở có địa điểm bán cố định, thường xuyên được hướng dẫn, tập huấn về đảm bảo ATVSTP.

“Còn với các hộ buôn bán hàng rong không có mặt bằng cố định thì rất khó quản lý. Đa số các hộ này đều chưa được cấp Giấy chứng nhận ATVSTP, chưa được khám sức khỏe… Dù mời nhiều lần, song họ cũng không đi nhưng lại cũng chẳng có chế tài xử lý nên việc quản lý các trường hợp này là rất khó khăn”, bà Hà thừa nhận.

Hiện phường Hải Châu 1 chưa có cán bộ chuyên trách về vấn đề ATVSTP, trong khi Trạm y tế phường chỉ có một nhân viên y tế, lại phải kiêm nhiệm thêm công việc này thì rõ ràng, lực lượng vấn quá ít, quá mỏng so với yêu cầu. Lực lượng kiêm nhiệm này thường thiếu trang thiết bị, dụng cụ, thiếu năng lực nghiệp vụ… nên việc kiểm tra các sai phạm trong vấn đề liên quan đến ATVSTP là chưa đảm bảo.

Còn nhiều bất cập

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP thành phố Đà Nẵng, hiện toàn thành phố có hơn 3.000 điểm bán TAĐP. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ quản lý được những điểm bán TAĐP có vị trí cố định. Còn đối với những loại hàng rong lưu động khắp nơi thì lực lượng cán bộ ngành từ thành phố tới xã, phường còn rất mỏng nên khó quản lý cho xuể.

Ông Tiến cũng đồng quan điểm với bà Hà khi cho rằng, hiện những cơ sở hàng rong do cấp phường, xã trực tiếp quản lý, song ở đó không có lực lượng chuyên trách về vấn đề ATVSTP mà thường cử một cán bộ y tế kiêm nhiệm nên còn có nhiều bất cập.

“Ngay cả đối với cấp quận, huyện cũng chưa có lực lượng chuyên trách về vấn đề này. Còn Thanh tra của Chi cục lại quá ít nên thực sự khó để hỗ trợ hết”, ông Tiến chia sẻ.

...
Tay không bốc bánh.

Việc Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định về các điều kiện ATVSTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh TĂĐP chính thức có hiệu lực từ ngày 20-1 vừa qua là một sự “tuyên chiến” với thức ăn đường phố, giải tỏa phần nào nỗi lo của người dân. Thế nhưng, trong khi hàng rong quá nhiều, lực lượng quản lý thì không tương xứng, vấn đề quản lý ATVSTP của nhóm TĂĐP sẽ còn nhiều khó khăn.

Điều đáng nói, những quy định, chế tài xử phạt đối với cơ sở hàng rong, TĂĐP còn khá nhiều "lỗ hổng" lớn. Đơn cử, cơ sở hàng rong thường bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trong khi quy định lại không bắt buộc lưu mẫu trong ngày. Đây thực sự là mối nguy hại lớn, bởi khi xảy ra ngộ độc thì hầu như các mẫu đã bán hết mà không kịp thời ngăn chặn, khiến số lượng nạn nhân tăng thêm.

Cũng vì thế, khi các cơ quan chức năng tới kiểm tra cũng khó biết được chính xác là nguồn gốc mẫu nào bị ôi thiu, không đảm bảo ATVSTP, nên không thể tìm ra được nguồn gốc cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn. Điều này đồng nghĩa với việc khó kiểm tra, xử phạt tận gốc, mà chỉ “cắt” được phần “ngọn”.

Bên cạnh đó, dù gây ra ngộ độc nặng, nhưng cơ sở vi phạm đó chỉ bị tạm thời đình chỉ cho đến khi khắc phục và kiểm tra lại, nếu thấy đảm bảo được các tiêu chuẩn quy định về ATVSTP, thì cho tiếp tục hoạt động. Mức xử phạt cũng chỉ từ 3-5 triệu đồng nên không có tính răn đe đối với các cơ sở vi phạm.

Thiết nghĩ, bên cạnh các giải pháp của ngành chức năng, để bảo đảm ATVSTP đối với TĂĐP, bảo đảm cho sức khoẻ cộng đồng, việc quan trọng hơn cả là tập trung nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Cùng với đó, người tiêu dùng cũng cần tự trang bị những kiến thức về vấn đề ATVSTP, nên tẩy chay những quán ăn vỉa hè, đường phố không đảm bảo điều kiện; đồng thời, thông báo cho cơ quan quản lý phát hiện và xử lý kịp thời các quán ăn đường phố không tuân thủ và đảm bảo các điều kiện ATVSTP.

Tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm

Bộ Y tế đang soạn thảo dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, trong đó tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm của Chủ tịch UBND cấp xã, huyện..

Theo quy định hiện hành tại Nghị định số 91/2012/NĐ-CP, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có giá trị đến 2 triệu đồng. Tại dự thảo, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt đến 5 triệu đồng.

Dự thảo cũng nâng thẩm quyền phạt tiền của Chủ tịch UBND cấp huyện từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng đối với các vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Chánh thanh tra Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở thuộc các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc các ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương có quyền phạt đến 50 triệu đồng (theo quy định hiện hành là 30 triệu đồng).

Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ thuộc các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương thay vì có quyền phạt đến 70 triệu đồng như quy định hiện hành, dự thảo cũng đề xuất tăng thẩm quyền phạt lên đến 140 triệu đồng.

Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ được đề xuất có quyền phạt đến 500.000 đồng thay vì phạt 200.000 đồng như quy định hiện hành. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường cũng có quyền phạt đến 25 triệu thay vì 5 triệu như quy định hiện hành.

Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thay vì có quyền phạt đến 20 triệu đồng như quy định hiện hành cũng được đề xuất nâng thẩm quyền phạt đến 50 triệu đồng.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh


 

;
.
.
.
.
.