Kê đơn thuốc không đúng, bệnh viện tư phải được cấp phép hoạt động, các cơ sở y tế tuyến dưới khám chữa bệnh không có hóa đơn... là những vấn đề “nóng” được đưa ra tại Hội nghị giao ban công tác quý 1 do Sở Y tế Đà Nẵng tổ chức sáng 28-3.
Theo báo cáo tại hội nghị, tình hình khám chữa bệnh và công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện trong 3 tháng đầu năm nay hơn 500.000 lượt người, giảm so với cùng kỳ năm ngoái khoảng gần 4.000 lượt.
Kê đơn thuốc đúng sẽ giúp việc điều trị bệnh hiệu quả. TRONG ẢNH: Khám chữa bệnh cho người dân ở huyện Hòa Vang. |
Siết chặt kiểm tra sử dụng thuốc
Bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng khẳng định: “Năm nay và những năm tới, Sở sẽ siết chặt việc kiểm tra về sử dụng thuốc ở tất cả các bệnh viện, xử lý nghiêm những trường hợp kê đơn không đúng”. Bà Trần Thị Hoa Lý, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố nêu thực trạng: “Khi chúng tôi đi kiểm tra, có bệnh viện dùng 4 loại thuốc bổ/năm, chi phí vài tỷ đồng. Trong đó có những trường hợp không thật sự cần thiết. Lại có nơi kê đơn mà thuốc trong đơn không có cũng không sao, kê thuốc không tương ứng với tình trạng bệnh được chẩn đoán. Điều này gây lãng phí lớn và áp lực lên quỹ khám chữa bệnh”.
Bà Lý đề nghị nếu loại thuốc đó đứt hàng thì phải có ý kiến của Sở Y tế, tránh trường hợp mua cho bằng được với giá cạnh tranh, đẩy giá thuốc lên cao. Cũng theo bà Lý, năm qua, BHXH chi 709 tỷ đồng cho các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn thành phố, trong đó Bệnh viện Đà Nẵng chiếm 45%.
Nhiều đại biểu nêu thực trạng xử lý nước thải y tế hiện nay còn nhiều khiếm khuyết. Bác sĩ Phạm Văn Tài, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn cho biết: “Hầu hết nước thải y tế đều xả tự nhiên ra đất, không bảo đảm vệ sinh môi trường. Riêng Trạm y tế phường Mỹ An xuống cấp nghiêm trọng”. Cùng chung “nỗi niềm”, bác sĩ Nguyễn Duy Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hải Châu - nêu thực trạng: “Hệ thống nổi xử lý nước thải ở chỗ chúng tôi được xây dựng từ năm 2007, nay xuống cấp nhưng đang chờ kinh phí, không biết đến bao giờ mới hoàn thiện, nên ảnh hưởng không nhỏ môi trường”.
Theo báo cáo, Đà Nẵng hiện có 17/56 xã, phường có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Như vậy, tình trạng xuống cấp, cơ sở vật chất không bảo đảm, chậm sửa chữa nên mục tiêu tăng số trạm y tế đạt chuẩn xem ra vẫn là vấn đề khó.
Sự hài lòng của bệnh nhân là chỉ tiêu thi đua
Năm 2013, ngành Y tế thành phố đặc biệt chú trọng nhiệm vụ nâng cao tỷ lệ hài lòng của người bệnh đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện công lập, trong đó phải đạt tỷ lệ trên 90%. “Các đơn vị phải bố trí bộ phận đón tiếp, hướng dẫn chu đáo, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình trong công tác khám chữa bệnh, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh sạch sẽ trong nhà vệ sinh của người bệnh... Chúng tôi sẽ đưa tiêu chí sự hài lòng của người bệnh vào chỉ tiêu thi đua của từng đơn vị, đồng thời thành lập các đoàn đánh giá độc lập về mức độ hài lòng của người bệnh”, bác sĩ Phạm Hùng Chiến nhấn mạnh.
Việc đẩy mạnh hoàn thành cấp giấy phép cho các cơ sở y tế hành nghề tư nhân cũng được ngành Y tế triển khai gấp rút trong thời gian đến. Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, cho biết trong năm nay, không chỉ bệnh viện tư được cấp giấy phép hoạt động mà các bác sĩ, điều dưỡng cũng phải có chứng chỉ hành nghề. Ước khoảng hơn 3.000 chứng chỉ hành nghề được cấp trên địa bàn thành phố trong thời gian tới. Sắp đến, các cơ sở y tế quận, huyện, xã, phường khám chữa bệnh phải có hóa đơn để tránh tình trạng khám chữa bệnh “mù” hóa đơn như hiện nay, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ