Gần 2 tháng kể từ ngày Bộ Y tế ban hành Thông tư 30/2012/TT-BYT về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm đường phố, đến nay nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn Đà Nẵng vẫn chưa có ý thức chấp hành quy định của Thông tư.
Những quầy hàng di động thế này rất khó bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Thức ăn che đậy sơ sài
Với vài chiếc ghế con, gánh bún mắm đặt khiêm tốn ở vỉa hè của chị N.T.L (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) lúc nào cũng đông khách. Vỉa hè hẹp, mặt đường xe cộ qua lại bụi bặm, nhưng rổ rau sống và rổ bún chỉ được che đậy sơ sài. Nhiều năm nay chị L. vẫn có thói quen dùng tay trần bốc bún, rau sống, thái nem, chả cho khách. Chị cũng có một chiếc khăn tối màu để lau tay nhưng chiếc khăn đó cũng được dùng để lau bát trước khi dọn đồ ăn cho khách. Khi được hỏi về quy định của Thông tư 30, chị L. hờ hững: “Cũng có nghe nói, nhưng đồ ăn đều bán hết trong ngày, có để qua ngày hôm sau đâu mà sợ không an toàn. Những lúc đông khách, một mình xoay xở không kịp, đeo bao tay ni-lon thì đến khi nào mới làm được tô bún cho khách. Hơn nữa, lúc thối tiền phải tháo bao tay rồi sau đó lại mang vào nên rất bất tiện”.
Tương tự, tại nhiều quán ăn vỉa hè, hàng rong, người bán vẫn bất chấp quy định của Thông tư 30 là thức ăn ngay, thực phẩm chín phải được đặt trong tủ kính, thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, phải trang bị găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn ngay, thực phẩm chín. Vậy mà đa số bánh chưng, bánh tét chiên, chuối chiên, bò viên chiên được bán ở các xe đẩy đều che đậy sơ sài, người bán cũng không sử dụng găng tay, thậm chí nhiều sản phẩm thức ăn không có bao bì, nhãn mác.
Có thâm niên nhiều năm bán bánh tiêu, bánh mì chiên vào buổi chiều cho khách đi tắm biển, anh Hưng (quê Quảng Ngãi) cho biết nếu áp dụng quy định nguyên liệu chế biến phải có hóa đơn, nguồn gốc thì mấy bánh tét, bánh mì của anh làm gì có hóa đơn nên nếu thấy cơ quan chức năng đến kiểm tra thì đẩy xe… chạy!
Khó kiểm tra
Ông Nguyễn Minh Tiến, Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP thành phố, cho hay những nội dung chính trong Thông tư 30 đã được triển khai từ mấy năm trước. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay Đà Nẵng có 5.384 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó khoảng 95% cơ sở đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận bảo đảm ATVSTP. Để người kinh doanh hiểu và nắm rõ các nội dung trong Thông tư, thứ 6 hằng tuần Chi cục luân phiên tổ chức tập huấn cho những người kinh doanh dịch vụ ăn uống ở các cấp xã, phường, quận, huyện và thành phố. Năm 2012, các đoàn kiểm tra liên ngành cấp xã, phường đã kiểm tra hơn 90% số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và dịch vụ ăn uống. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã xử phạt 60 triệu đồng các cơ sở vi phạm về ATVSTP.
Ông Tiến cũng nhấn mạnh, rất khó để kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là tuyến xã, phường. Những cơ sở có điểm bán cố định đều có thể kiểm tra được nhưng với xe đẩy, hàng rong thì rất khó quản lý. Mặt khác, ở tuyến xã, phường, việc kiểm tra và xử phạt chưa nghiêm, chủ yếu mới chỉ nhắc nhở. Trong thời gian đến, Chi cục sẽ phối hợp với các xã, phường tập huấn, cung cấp kiến thức cho những người kinh doanh hàng rong, xe đẩy, chủ yếu nâng cao ý thức và giúp họ nắm được các quy định bảo đảm ATVSTP.
Bài và ảnh: NHẬT HẠ