.

Sách giáo dục giới tính: Chưa đáp ứng nhu cầu

.

Dạo một vòng quanh các cửa hàng sách trên địa bàn Đà Nẵng, rất dễ nhận thấy số lượng sách giáo dục giới tính dành cho tuổi mới lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ở một số hiệu sách trên đường Phan Châu Trinh, chỉ thấy chủ yếu về sách tình cảm, tình yêu đôi lứa nhưng không thấy sách về giáo dục giới tính.

Các bà mẹ chọn sách về giáo dục giới tính cho trẻ. (Ảnh chụp tại gian trưng bày sách giáo dục giới tính tại một hội thảo về giáo dục giới tính do Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng tổ chức)
Các bà mẹ chọn sách về giáo dục giới tính cho trẻ. (Ảnh chụp tại gian trưng bày sách giáo dục giới tính tại một hội thảo về giáo dục giới tính do Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng tổ chức)

Sách ngoại lấn át sách nội

Ở các nhà sách lớn như: Nam Phương, Fahasa Đà Nẵng, tìm mãi trong loạt sách dành cho tuổi mới lớn, chúng tôi mới thấy sách giáo dục giới tính nhưng không nhiều. Nổi bật hơn cả là 2 tập sách của bác sĩ Đào Xuân Dũng do NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh phát hành là Giáo dục sức khỏe giới tính dành cho tuổi vị thành niên, Sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục dành cho tuổi vị thành niên. Ngoài ra, còn có cuốn Hỏi đáp về tâm sinh lý tuổi teen của Huyền Thư do NXB Phụ nữ phát hành, nhưng chủ yếu để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu tâm lý lứa tuổi, chứ chưa đề cập nhiều đến vấn đề giới tính tình dục...

Trong lúc sách trong nước còn khá “rụt rè”, sách dịch của nước ngoài về giáo dục giới tính lại đặc biệt lấn lướt trên các kệ sách bởi mẫu mã bắt mắt và nội dung phong phú. Chẳng hạn, 2 cuốn Cẩm nang con gái, Cẩm nang con trai của nữ tác giả Violeta Babic do NXB Trẻ ấn hành giải mã việc các cậu bé xuất hiện nhiều lông trên cơ thể, vỡ giọng, cách cạo râu, cách xử lý các loại mụn, sự thay đổi ở cơ quan sinh dục, mộng tinh...; hay các cô bé với những bỡ ngỡ đầu đời khi cơ thể thay đổi.

Hay cuốn Băn khoăn tuổi dậy thì của tác giả Alex Firth do Ngọc Hương dịch, NXB Phụ nữ phát hành, có lối viết sinh động, còn được minh họa bằng nét vẽ ngộ nghĩnh, hài hước, nên những chuyện “nghiêm trọng” bỗng hóa bình thường, dễ hiểu. Sách giải đáp cho bé một cách khái quát nhất câu hỏi: “Con gái tuổi này có giống con trai không?”...

Một giảng viên khoa Tâm lý - giáo dục thuộc Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) nhận định: “Sách ngoại dẫu có hay, có bắt mắt nhưng chưa thật sự phù hợp với trẻ em Việt Nam, bởi mỗi quốc gia, trẻ em phát triển theo từng giai đoạn không giống nhau”.  

Vẽ đường cho hươu chạy như thế nào?

Theo ông Lê Ngọc Thạnh, Cửa hàng trưởng Cửa hàng sách Fahasa: “Sách giáo dục giới tính thường bán rất chạy. Nhiều em đến đây tìm đọc và mua. Điều này cho thấy nhu cầu sách về vấn đề này rất lớn nhưng sách mới không nhiều, dù chúng tôi luôn cố gắng cập nhật”.

Nhiều người cho rằng, cần gì phải mua sách giáo dục giới tính khi các em đang tuổi ăn tuổi học, làm thế chỉ “vẽ đường cho hươu chạy”. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ tâm lý học Lê Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng): “Không vẽ đường thì hươu cũng đã chạy rồi. Bởi vậy, việc định hướng cho hươu khỏi chạy sai đường là việc làm cần thiết”. Theo Tiến sĩ Sơn, cách giáo dục nhẹ nhàng nhất chính là từ những cuốn sách, cuốn truyện.

Có con gái 4 tuổi, chị Nguyễn Thu Nga (30 tuổi, nhân viên văn phòng) thổ lộ: “Nhiều lúc mình ngớ người trước những câu hỏi của cô con gái như: Mẹ ơi, sao lúc trước con ở trong bụng mẹ? Mẹ ăn con à? Tại sao lại có con..., mà không biết giải thích làm sao, đành cười trừ”. Còn chị Lê Thị Na (35 tuổi, ở quận Hải Châu) phát hoảng trước một lô sách truyện tranh mà cậu con trai học lớp 6 mang về. “Toàn vẽ cảnh hôn hít rồi tràn ngập những từ ngữ yêu đương sống sượng. Mình đọc mà còn thấy ngượng, đỏ cả mặt, vậy mà nó xem chăm chú”, chị Na kể. Chị đã dạo quanh các nhà sách để tìm mua truyện tranh về cho con, cuối cùng đành chọn một cuốn sách nhỏ về tâm lý lứa tuổi nhưng cậu con trai chị chỉ liếc qua vài trang rồi... cất kỹ. “Sách truyện tác động đến bé rất nhanh, nhiều khi còn hiệu quả hơn lời mình nói, bởi những chuyện tế nhị thế này đâu dễ nói thẳng với con. Tuy nhiên, sách giáo dục giới tính phải nhẹ nhàng, dí dỏm và đẹp mắt hơn nữa thì mới thu hút bé đọc”, chị Na cho biết.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ
 

;
.
.
.
.
.