.

Tích cực tập trung phòng, chống dịch bệnh

.

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay - chân - miệng (TCM) tại Đà Nẵng đang có chiều hướng tăng trở lại, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến (ảnh), Phó Giám đốc Sở Y tế, khẳng định để hạn chế dịch bệnh, việc nâng cao ý thức người dân qua công tác tuyên truyền của địa phương, cụ thể là tổ dân phố, rất quan trọng.

* Thưa bác sĩ, tình hình bệnh SXH và TCM hiện nay diễn biến như thế nào?

- Theo số liệu mới nhất, tại thành phố Đà Nẵng, tính từ ngày 1-1 đến ngày 3-3, ghi nhận 459 ca mắc SXH tại 52/56 xã, phường, không có trường hợp tử vong. Ca mắc nhiều nhất tập trung ở các quận: Thanh Khê (107 ca), Hải Châu (105 ca), Sơn Trà (92 ca)… Như vậy, số ca mắc SXH tăng hơn 57 lần so với cùng kỳ năm ngoái (459/8).

Trong tuần, các đơn vị chức năng cũng đã ghi nhận thêm 3 ổ dịch nhỏ SXH tại tổ 56 phường An Hải Đông (quận Sơn Trà), tổ 112 phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) và thôn Quá Giáng 2, xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang). Như vậy, tính đến nay, toàn thành phố có 43 ổ dịch đã được xử lý. Về bệnh TCM, tính đến thời điểm này, số ca mắc bệnh là 235 trường hợp, hiện chưa có trường hợp tử vong. Bệnh TCM có dấu hiệu tăng trở lại trong những ngày đầu tháng 3.

Tình hình bệnh SXH, TCM dù diễn biến phức tạp nhưng so với dự báo thì vẫn thấp hơn và vẫn đang trong tầm kiểm soát của ngành Y tế.

* Dù đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa nhưng số ca mắc vẫn cao. Phải chăng công tác phòng chống dịch vẫn còn những khâu yếu?

- So với những năm trước, việc xử lý ổ dịch, công tác giám sát được thực hiện chặt chẽ hơn. Thậm chí, chúng tôi cũng chỉ đạo kỹ cả việc pha hóa chất thế nào, kỹ thuật phun ra sao. Tuy nhiên, điều đáng nói là người dân vẫn chưa để tâm nhiều đến việc diệt bọ gậy. Bên cạnh đó, sự phối hợp của các địa phương hiện nay rất hạn chế, nên công tác phòng chống dịch chưa cao. Việc lãnh đạo nhiều địa phương cáo bận không xuống vùng dịch hoặc chưa phối hợp tuyên truyền là chuyện không hiếm gặp. Ai cũng nghĩ đây là trách nhiệm của riêng ngành Y tế.

Một thực tế nữa là công tác phòng chống dịch hiện nay gặp khó khăn về kinh phí. Nếu mọi năm kinh phí thành phố bố trí từ đầu năm nhưng năm nay đang chờ trình xét. Việc phòng chống bệnh SXH đang dùng kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia khoảng 1 tỷ đồng, còn công tác phòng chống bệnh TCM vẫn đang tự ứng kinh phí để hoạt động.

* Vậy giải pháp cấp bách hiện nay là gì?

- Chúng tôi đang tăng cường công tác xử lý ổ dịch, phối hợp với địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông. Triển khai chiến dịch đợt 1 phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại 180 tổ dân phố ở 4 phường: Xuân Hà (quận Thanh Khê), Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu), Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn). Khi có ổ dịch, sau khi xử lý, xe truyền thông lưu động tới ngay nơi vùng đó để tuyên truyền. Công tác phòng chống bệnh TCM tập trung vào việc thu dung, điều trị ở Bệnh viện Phụ Sản - Nhi. Chúng tôi đang triển khai điều tra ổ bọ gậy nguồn tại 5 phường là điểm nóng về SXH.

Bệnh TCM là bệnh lây truyền, nhưng khác với các bệnh lây truyền khác ở chỗ không phải thông qua phương tiện trung gian và đường lây truyền rất rõ ràng (phân, miệng) nên có thể kiểm soát. Vì vậy, việc ngăn chặn dịch không khó, vấn đề là nâng cao ý thức của cộng đồng, của người dân. Mục tiêu của công tác phòng chống dịch hiện nay là giảm số mắc và tử vong. Đà Nẵng từ đầu năm đến nay không có ca tử vong do các loại bệnh này. Chúng tôi cũng đang đề nghị UBND thành phố chỉ đạo tổ chức tập huấn đồng loạt cho tất cả các tổ trưởng dân phố trên toàn thành phố về nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

PHƯƠNG TRÀ thực hiện

;
.
.
.
.
.