.

Tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai

.

Việc có thai ngoài ý muốn làm rất nhiều người đau đầu, khổ sở. Mỗi cặp vợ chồng đã sinh đủ con hoặc chưa có kế hoạch sinh con hẳn rất lúng túng nếu chẳng may thụ thai.

Đối với những cặp chưa cưới, việc có thai ngoài ý muốn là “cú sốc” lớn nên nhiều đôi vội vàng cưới “theo chỉ định của bác sĩ”. Đám cưới không được hoạch định trước sẽ gây nhiều lo âu và phiền phức.

Cộng tác viên dân số tiếp thị bao cao su và thuốc viên tránh thai.
Cộng tác viên dân số tiếp thị bao cao su và thuốc viên tránh thai.

Cần thiết tiếp thị xã hội

Với những cặp vợ chồng đã có 2 con, nếu không sử dụng biện pháp tránh thai thì sẽ dễ sinh con thứ 3 trở lên. Vì vậy, để tránh có thai ngoài ý muốn, phải sử dụng biện pháp tránh thai chủ động, tạo tâm lý thoải mái, không ảnh hưởng đến tình yêu, không ảnh hưởng sức khỏe và tương lai mỗi người. Chính vì tầm quan trọng của việc tránh có thai ngoài ý muốn, việc thực hiện tiếp thị phương tiện tránh thai (PTTT) và các dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng để tránh thai và phòng, chống HIV/AIDS là rất cần thiết.

Kể từ năm 2012 trở đi, Nhà nước không bao cấp bao cao su, thuốc uống tránh thai nữa mà phải hoàn toàn tiếp thị xã hội đến các đối tượng có nhu cầu sử dụng. Theo lãnh đạo ngành dân số thành phố, điểm thuận lợi khi triển khai hoạt động này là các quận, huyện đều sẵn sàng đón nhận tiếp thị PTTT một cách nghiêm túc. Tuy mới triển khai vào năm 2012, công tác tiếp thị xã hội PTTT của thành phố cũng đã đạt một số kết quả khả quan và được Tổng cục Dân số đánh giá cao.

Nỗ lực trong công tác dân số

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Diễm, Giám đốc Trung tâm Dân số quận Thanh Khê - một trong những đơn vị làm tốt công tác tiếp thị xã hội bao cao su và thuốc uống tránh thai cho biết: “Quận Thanh Khê có 26.203 người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, trong đó có 4.141 người sử dụng bao cao su và 2.088 người dùng viên thuốc tránh thai. Chính quyền quận và ngành chức năng đã nỗ lực hết mình trong công tác dân số, trong đó phải kể đến đội ngũ cộng tác viên đi sâu sát, vận động người dân thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại. Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động vẫn còn những hạn chế nhất định về xã hội hóa các hoạt động này, nhất là khâu đầu ra của chất lượng sản phẩm các PTTT.

Theo quy định của pháp luật, các PTTT được đưa vào Việt Nam phải có giấy phép lưu hành do Bộ Y tế cấp và các công ty thuộc các thành phần kinh tế có giấy phép kinh doanh được chủ động nhập khẩu, bán các PTTT trên thị trường. Thực tế, có những PTTT được bán trên thị trường mà không có trong danh mục sản phẩm lưu hành tại Việt Nam; hoặc có những PTTT cùng nhãn sản phẩm của nhà sản xuất được cung cấp theo kênh miễn phí hoặc tiếp thị xã hội và vẫn được bán trên thị trường.

Năm 2012, toàn thành phố có 116.369 người sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, trong đó 24.170 người sử dụng bao cao su, 11.235 người dùng thuốc uống. Năm 2013, với khả năng của các cộng tác viên dân số đã được phủ khắp trong địa bàn thành phố sẽ giúp người dân hưởng ứng chủ trương xã hội hóa các biện pháp tránh thai, góp phần hạn chế việc tránh thai ngoài ý muốn.

Bài và ảnh: MINH PHÚC

;
.
.
.
.
.