.

Tôn vinh trẻ em gái và phụ nữ

.

Trước tâm lý trọng nam khinh nữ của một số người dân, thành phố đã tổ chức một số hoạt động tôn vinh trẻ em gái và phụ nữ.

Các bé gái cần được khuyến khích, tôn vinh trong học tập, hỗ trợ trong cuộc sống để từng bước gỡ bỏ quan niệm trọng nam, khinh nữ. (Ảnh mang tính minh họa)                                      Ảnh: NGỌC ĐOAN
Các bé gái cần được khuyến khích, tôn vinh trong học tập, hỗ trợ trong cuộc sống để từng bước gỡ bỏ quan niệm trọng nam, khinh nữ. (Ảnh mang tính minh họa) Ảnh: NGỌC ĐOAN

Theo thống kê mới đây, tỷ lệ các bà mẹ biết giới tính thai nhi trong bụng mẹ chiếm hơn 70%. Thậm chí, ở các tỉnh, thành phố lớn, con số này gần 100%. Do biết trước giới tính nên nhiều cặp gia đình thích có con trai đã âm thầm hủy thai nhi nữ. Điều này không những ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý mà còn gây sức ép mất cân bằng giới tính trong xã hội.

Nhằm động viên, khích lệ những gia đình sinh con gái chăm ngoan, học giỏi, thành phố đã có nhiều hoạt động như tổ chức nói chuyện chuyên đề dân số và giới tính khi sinh, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, giao lưu với các học sinh nữ... Nhiều cuộc hội thảo của ngành dân số đã diễn ra với nhiều ý kiến đồng thuận việc các địa phương áp dụng biện pháp hỗ trợ những gia đình sinh con một bề là gái. Với các em gái trong các gia đình nghèo, khó khăn, vươn lên học giỏi, việc hỗ trợ học phí là điều cần thiết. Với phụ nữ sinh con một bề là gái vươn lên làm kinh tế, nuôi dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc cũng cần có chính sách động viên kịp thời. Điều này thể hiện sự tôn vinh của xã hội, từng bước gỡ bỏ quan niệm trọng nam khinh nữ.

Chia sẻ về điều này, bà Hồ Thị Thúy Vân - Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) quận Sơn Trà - cho rằng tỷ số giới tính khi sinh của quận đã ở mức cao (116 bé trai/106 bé gái). Bên cạnh giải pháp truyền thông, cần có những hoạt động biểu dương, khen thưởng những gia đình sinh con một bề là gái học giỏi, chăm ngoan phát triển kinh tế, để họ được tự hào, không tủi thân khi sinh “toàn con gái”.

Tổng cục DS-KHHGĐ đang đề xuất lên Chính phủ Đề án can thiệp giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong đó, có giải pháp quan trọng để kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh là áp dụng biện pháp hỗ trợ đối với các gia đình sinh con một bề là gái. Những gia đình sinh con một bề là gái theo đúng chính sách DS-KHHGĐ (2 con) sẽ được hỗ trợ bằng tiền mặt; ưu đãi các em gái trong việc học tập, đào tạo nghề, việc làm, cơ hội lập nghiệp và phát triển kinh tế gia đình; ưu tiên nhập học, miễn giảm các khoản phí, chỗ ở ký túc xá, dạy nghề, giải quyết việc làm, vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh và các phúc lợi xã hội khác... Đây là chính sách đánh mạnh vào tư tưởng trọng nam.

Hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 112,3 nam/nữ. Với tốc độ gia tăng này, các chuyên gia ước tính Việt Nam sẽ thiếu khoảng 4 triệu cô dâu vào năm 2030.

Năm 2013, lãnh đạo ngành dân số thành phố tiếp tục duy trì hoạt động nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng về cơ cấu dân số và giới tính khi sinh, tình trạng mất cân bằng giới tính, các quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh, giao lưu kinh nghiệm học tập, rèn luyện của nữ sinh có thành tích học giỏi trong gia đình sinh con một bề. Tuy nhiên, để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, các cấp ủy, chính quyền các địa phương và các ban, ngành, đoàn thể xã hội phải cùng tham gia mạnh mẽ, để ngày càng có nhiều gia đình sinh con một bề là gái được tôn vinh, động viên.

MAI HOA

;
.
.
.
.
.