Vừa qua, rất nhiều bà mẹ đưa con đến các trạm y tế để tiêm chủng nhưng chưa tiêm được do thiếu vaccine. Xung quanh vấn đề này, chiều 28-2, bác sĩ Trần Bảo Ngọc - Thư ký Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Đà Nẵng - khẳng định: Tiêm vaccine chậm không giảm tác dụng phòng bệnh.
Bác sĩ Trần Bảo Ngọc |
* Thưa bác sĩ, vì sao có việc không cung ứng đủ vaccine cho trẻ trong thời gian qua?
- Tại Đà Nẵng, vào ngày 25, 26 và 27 hằng tháng, các bà mẹ đưa trẻ đến một trong 56 điểm tại 56 xã, phường để tiêm chủng miễn phí. Tuy nhiên, vừa qua xảy ra tình trạng thiếu vaccine, chủ yếu là vaccine “5 trong 1” (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hip) cùng một số ít vaccine lao, bại liệt.
Thiếu vaccine do số trẻ đi tiêm tăng đột biến vì nhiều người quan niệm sinh con trong năm rồng thì trẻ “tốt số” nên số trẻ được sinh trong năm này tăng cao. Mặt khác, Đà Nẵng là địa phương có khách vãng lai đông, nhất là dịp Tết, dự trù số lượng vaccine để tiêm cho trẻ của các địa phương chưa phản ánh đúng nhu cầu thực do số phát sinh này. Nguyên nhân thiếu vaccine không phải từ tuyến trên và đầu tuần tới sẽ có vaccine bảo đảm cung cấp đầy đủ cho nhu cầu tiêm của trẻ, nên người dân có thể yên tâm.
* Việc chưa tiêm có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ không? Không ít phụ huynh lo lắng nếu để chậm trễ, trẻ sẽ dễ nhiễm bệnh? Những trường hợp trẻ đã tiêm mũi thứ nhất mà mũi thứ hai bị chậm trễ thì mũi thứ nhất có còn tác dụng và liệu có phải tiêm lại từ đầu?
- Tiêm vaccine nhằm phòng bệnh cho trẻ. Có những trường hợp không phải do hết vaccine mà do người nhà quên hoặc do trẻ bị sốt thì vẫn dời sang tháng sau, điều đó không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, cũng đừng để quá trễ mà nên theo lịch của bác sĩ nhằm tăng khả năng bảo vệ cho các bé.
Với những trẻ đã tiêm mũi thứ nhất của một loại vaccine nào đó, khi vaccine vào cơ thể sẽ kích hoạt các tế bào nhớ nên sau khi trễ 3-4 tháng vẫn có thể tiếp tục tiêm mũi tiếp theo như bình thường, không phải tiêm lại từ đầu.
Tuy nhiên, cũng không nên để thời gian tiêm quá xa mũi thứ nhất. Khi đó, mặc dù tác dụng phòng bệnh vẫn không bị giảm đi nhưng trong thời gian chờ tiêm, khả năng nhiễm bệnh cho bé là có thể. Do đó, các bậc phụ huynh phải giữ gìn cho bé, để trẻ ở trong nhà, tránh tiếp xúc với người có nguy cơ nhiễm bệnh. Phụ huynh đừng quá lo lắng, bởi tiêm chủng chỉ nhằm phòng ngừa cho trẻ khỏi nhiễm bệnh.
* Quá trình bảo quản vaccine hiện nay như thế nào, liệu có bảo đảm?
- Vaccine sẽ được chuyển đến điểm tiêm chủng trước một ngày. Tại các xã, phường đều có tủ lạnh để bảo quản vaccine. Tủ lạnh dành riêng để bảo quản vaccine có chế độ giữ lạnh lâu hơn. Ngoài ra, nếu cúp điện thì các nơi có phích giữ lạnh giữ vaccine được từ 48-72 giờ.
* Vậy phải làm như thế nào để tình trạng thiếu vaccine không xảy ra?
- Hiện Đà Nẵng thiếu khoảng 1.100 liều vaccine “5 trong 1”. Trước tình hình này, tuần tới Viện Pasteur Nha Trang sẽ chuyển vaccine cho Đà Nẵng. Viện Pasteur Nha Trang đã đồng ý mức dự trù với số lượng nhiều hơn theo đề xuất của chúng tôi trong thời gian tới, nhằm bảo đảm đủ vaccine cho trẻ.
PHƯƠNG TRÀ thực hiện