(ĐNĐT) - Mặc dù ở Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do cúm A/H7N9, song căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào Việt Nam cũng như khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng, Bộ Y tế đưa ra 4 tình huống có thể xảy ra với dịch cúm A/H7N9 nhằm chủ động phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch cúm A/H7N9.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không vận chuyển, chế biến, sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc. |
Tình huống 1: Chưa có trường hợp bệnh trên người. Do đó, cần phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh cúm A/H7N9 đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam hoặc xuất hiện tại cộng đồng để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng.
Tình huống 2: Có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên người nhưng chưa phát hiện lây từ người sang người. Khi đó, cần khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch từ động vật sang người hoặc từ người sang người.
Tình huống 3: Phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ. Cơ quan chức năng cần nhanh chóng khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.
Tình huống 4: Dịch bùng phát ra cộng đồng. Mục tiêu phải giảm thiểu tác động của dịch đối với cuộc sống của người dân. Huy động các ban, ngành, đoàn thể tham gia vào các đội sơ cứu, hướng dẫn người bệnh và người nhà bệnh nhân các biện pháp chăm sóc và phòng bệnh.
Giai đoạn đầu, Bộ Y tế yêu cầu 3 Viện: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang sẵn sàng tiếp nhận mẫu để chẩn đoán xác định cúm A/H7N9.
Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, hạn chế tử vong khi có bệnh nhân. Thiết lập mạng lưới các đơn vị thu dung điều trị bệnh nhân cúm A/H7N9; áp dụng các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực ổ dịch.
Tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế; cử các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch.
ĐNĐT (theo Bộ Y tế)