Sáng 4-4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Văn phòng Chính phủ cùng các Bộ Y tế, Công thương, Kế hoạch-Đầu tư, Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) nông-lâm-thủy sản (NLTS) với 63 tỉnh, thành phố.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2012 công tác quản lý chất lượng ATTP NLTS tại các địa phương chuyển biến tích cực. Tuy vậy, qua kiểm tra, tồn dư kháng sinh trong thủy sản nuôi trồng vượt chỉ tiêu cho phép từ 2-4%, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên các loại rau quả vẫn rất nghiêm trọng và ô nhiễm vi sinh vật trong thịt động vật vượt mức cho phép.
Trong khi đó, tại thành phố Đà Nẵng, báo cáo của Sở NN&PTNT cho thấy công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và thực phẩm NLTS, công tác giám sát ô nhiễm sinh học, hóa chất tồn dư triển khai thường xuyên và chặt chẽ nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Qua giám sát ô nhiễm sinh học, hóa chất tồn dư trong sản phẩm NLTS đã phát hiện 4/70 mẫu thủy sản nhiễm vi sinh, 14/25 mẫu rau - củ - quả nhiễm vi sinh quá mức cho phép, 59/91 mẫu thực phẩm thịt nhiễm E-coli, Salmonella, trong đó chủ yếu là thịt lợn bán ở vỉa hè…
Việc giám sát chất lượng ATTP NLTS trên địa bàn thành phố vô cùng khó khăn. Là địa phương phải nhập tới 70 - 80% lượng thực phẩm từ nơi khác về, nhưng việc kiểm soát lượng thực phẩm này đang bỏ ngỏ. Như vậy, việc ngăn chặn người tiêu dùng sử dụng thực phẩm kém chất lượng chưa kịp thời. Đó là chưa nói, rất nhiều đợt, cán bộ chức năng chỉ kiểm tra bằng mắt thường, khó xác định chất lượng thực phẩm. Đội ngũ làm công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng thực phẩm NLTS vừa yếu, vừa thiếu. Tình trạng chế biến thực phẩm không đăng ký kinh doanh, không nhãn hiệu khá phổ biến. Đến nay vẫn chưa có quy định về kiểm tra, kiểm soát ATTP tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, hộ cá thể kinh doanh tại các chợ nhỏ và vỉa hè, từ đó rất khó xử lý…
Vấn đề cấp bách tại hội nghị đặt ra là khẩn trương ban hành Thông tư liên tịch giữa 3 bộ Y tế, NN&PTNT, Công thương về kiểm soát chất lượng ATTP NLTS, làm rõ trách nhiệm từng bộ và cơ chế phối hợp. Tăng cường kiểm tra kiểm soát hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm NLTS; xử lý nghiêm minh theo pháp luật các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông các cơ chế, chính sách, pháp luật về ATTP cho các nhóm đối tượng, đặc biệt là những người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm NLTS; kịp thời hoàn thiện các cơ chế chính sách về lĩnh vực này. Các địa phương xây dựng mô hình điểm “chuỗi thực phẩm an toàn” theo Thông tư 02/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT; đẩy mạnh việc kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, nhất là số nhập lậu…
NGUYỄN CẦU