Ngày 27-3 vừa qua, một trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine 5 trong 1 Quinvaxem (vaccine của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia). Trước đó, ngày 15-3, một trẻ ở Lâm Đồng cũng tử vong sau khi tiêm loại vaccine này, làm dấy lên lo ngại về sự an toàn cho trẻ sau khi tiêm.
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, thạc sĩ Tôn Thất Thạnh (ảnh), Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, khẳng định: Đà Nẵng không có lô vaccine 5 trong 1 gây tử vong
* Thưa ông, tình hình tiêm vaccine 5 trong 1 ở Đà Nẵng hiện nay như thế nào?
- Vaccine 5 trong 1 là vaccine tổng hợp phòng 5 bệnh gây nguy hiểm cho trẻ gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và các bệnh gây ra do vi khuẩn Haemophilus influenzase (Hib), đặc biệt là viêm màng não mủ, trong một mũi tiêm. Hiện nay, việc tiêm vaccine 5 trong 1 (Quinvaxem) vẫn đang được thực hiện vào các ngày tiêm chủng định kỳ hằng tháng theo quy định tại thành phố Đà Nẵng.
Trung bình mỗi tháng tại Đà Nẵng tổ chức tiêm vaccine 5 trong 1 cho khoảng từ 4.000 - 5.000 trẻ. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, trước thông tin trường hợp trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine 5 trong 1 tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước, theo ghi nhận của chúng tôi, dù được hẹn tiêm mũi vaccine 5 trong 1 nhưng một số phụ huynh lo lắng và muốn cho con em mình tiêm mũi vaccine 6 trong 1 (Infanrix Hexa) thay cho vaccine 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
* Hai vụ trẻ tử vong vừa qua tại một số địa phương nghi do lô vaccine 5 trong 1 khiến nhiều phụ huynh rất lo ngại. Vậy việc tiêm vaccine 5 trong 1 có được tiếp tục?
- Trước hết, cần nói rõ là chưa có bằng chứng khẳng định trẻ 4 tháng tuổi tại Lâm Đồng tử vong do tiêm vaccine 5 trong 1. Theo chúng tôi được biết, lô vaccine Quivanem mà trẻ 4 tháng tuổi sau khi tiêm đã tử vong tại Lâm Đồng là lô số 1453127. Đà Nẵng không có lô vaccine 5 trong 1 nào đã và đang sử dụng trùng với lô vaccine này. Ngoài ra, đến nay vẫn chưa có thông báo nào từ Viện Pasteur Nha Trang hay chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia về việc ngừng triển khai tiêm vaccine 5 trong 1. Vì vậy, vaccine này vẫn được áp dụng trong lịch tiêm chủng mở rộng bình thường.
* Nếu không muốn tiêm vaccine 5 trong 1 thì có thể tiêm loại gì thay thế và hiệu quả có giảm sút?
- Theo đúng lịch tiêm chủng mở rộng, trẻ được tiêm một mũi vaccine Quinvaxem và uống một liều vaccine phòng bệnh bại liệt lần lượt lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi. Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó cha mẹ không muốn cho trẻ tiêm vaccine Quinvaxem hoặc trẻ có dấu hiệu phản ứng với những lần tiêm vaccine Quinvaxem trước, có thể được tư vấn thay thế bằng vaccine 6 trong 1 là loại vaccine dịch vụ không nằm trong chương trình.
Vaccine 6 trong 1 bao gồm 6 thành phần là bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan siêu vi B và các bệnh gây ra do vi khuẩn Haemophilus influenzase (Hib), đặc biệt là viêm màng não mủ trong một mũi tiêm. Vaccine này có thành phần ho gà vô bào nên hầu như ít gặp tác dụng phụ. Tại Đà Nẵng, từ khi đưa vào sử dụng vaccine chưa ghi nhận phản ứng nào nghiêm trọng. Một số tác dụng phụ có thể gặp như: sốt nhẹ, đau, đỏ da và phù nề khu trú tại vùng tiêm. Vaccine 6 trong 1 gồm 3 liều cơ bản tương tự vaccine 5 trong 1, ngoài ra có một mũi vaccine nhắc lại trước 18 tháng tuổi. Hai ưu điểm nổi bật của vaccine này là ít gặp tác dụng phụ sau tiêm và đạt được hiệu quả bảo vệ đối với các bệnh nói trên ở mức rất cao, từ 98-99%.
Trong trường hợp trẻ đã tiêm mũi 1 vaccine 5 trong 1 mà có biểu hiện phản ứng nặng thì có thể cân nhắc lựa chọn thay thế các mũi tiếp theo bằng vaccine 6 trong 1. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, bất cứ vaccine nào cũng có khả năng gây ra những tác dụng phụ. Vì vậy, điều quan trọng là cần thăm khám kỹ tình trạng sức khỏe của trẻ tại thời điểm tiêm, tìm hiểu tiền sử bệnh tật, đặc biệt cha mẹ phải theo dõi trẻ sau tiêm tại cơ sở y tế ít nhất 30 phút và tiếp tục theo dõi tại nhà trong 24 giờ tiếp theo, đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi phát hiện trẻ có những phản ứng nặng sau tiêm chủng: sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, bỏ bú, khó thở, tím tái...
Nếu tại thời điểm tiêm vaccine, trẻ có biểu hiện sốt, mắc các bệnh lý cấp và mãn tính thì nên hoãn tiêm và đợi đến khi sức khỏe của trẻ hoàn toàn bình phục để vaccine có thể phát huy tối đa hiệu quả bảo vệ và hạn chế đến mức thấp nhất tác dụng phụ cho trẻ. Nếu trẻ có biểu hiện nghi ngờ phản ứng với những lần tiêm trước thì cần được tìm hiểu, thăm khám và tư vấn kỹ để quyết định có tiếp tục tiêm hay không. Khoảng cách tối thiểu giữa các mũi tiêm vaccine 5 trong 1 cũng như 6 trong 1 là một tháng, không có quy định khoảng cách tối đa. Vì vậy, nếu vì lý do nào đó phải hoãn tiêm thì vẫn có thể dời đến ngày tiêm chủng tháng sau để tiêm mũi tiếp theo cho trẻ. Tuy nhiên, khuyến cáo nên hoàn thành 3 mũi cơ bản của vaccine trước khi trẻ 6 tháng tuổi.
* Trước nguy cơ tai biến cho trẻ, người dân băn khoăn giữa lợi ích việc tiêm và không tiêm vaccine? Bác sĩ có khuyến cáo nào dành cho họ?
- Đến nay chưa có bằng chứng chất lượng của vaccine liên quan các ca phản ứng sau tiêm vaccine Quinvaxem dẫn đến tử vong tại Việt Nam. Các bậc phụ huynh cũng cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tiêm chủng để tránh tâm lý hoang mang, từ đó vô tình khiến con em mình đánh mất cơ hội được bảo vệ khỏi mắc những căn bệnh nguy hiểm.
Chúng tôi đã thường xuyên chỉ đạo tuyến y tế cơ sở tăng cường công tác bảo đảm an toàn trong tiêm chủng, đặc biệt lưu ý vấn đề theo dõi sau tiêm và dặn dò người nhà biết các phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng và cách xử trí; đồng thời tăng cường giám sát hoạt động tiêm chủng mở rộng định kỳ hằng tháng tại các trạm y tế xã, phường trên địa bàn thành phố.
Về phía các bậc phụ huynh khi đưa con em mình đi tiêm chủng, cần lưu ý làm theo hướng dẫn của cán bộ y tế, luôn để trẻ ở lại cơ sở y tế để theo dõi ít nhất 30 phút sau tiêm, kể cả là mũi đầu tiên hay các mũi kế tiếp, và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ. Khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường như đã nói ở trên, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và can thiệp kịp thời, tránh tình trạng để bệnh chuyển biến nặng mới nhập viện.
* Xin cảm ơn ông!
PHƯƠNG TRÀ thực hiện