.

Không chủ quan, lơ là với dịch cúm A/H7N9

.

Tại cuộc họp triển khai công tác phòng, chống dịch cúm A/H7N9 do Sở Y tế thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 17-4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương chỉ đạo: không được chủ quan, lơ là với dịch.

Lập đường dây nóng phòng chống dịch

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng, cho biết mọi thông tin về dịch cúm A/H7N9 luôn được cập nhập thường xuyên. Theo đó, tính đến ngày 17-4, tại Trung Quốc có 77 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 và 16 trường hợp tử vong. “Đây là chủng virus có nguồn gốc gene từ virus cúm gia cầm. Nguy cơ lây nhiễm từ người sang người là có thể xảy ra. Đà Nẵng có sân bay, cảng biển và hằng tuần đón lượng khách Trung Quốc không nhỏ, nên nguy cơ lây lan rất cao”, bác sĩ Thạnh khẳng định.

Đà Nẵng đã thành lập và củng cố 2 đội cơ động phòng chống dịch tuyến thành phố cùng 7 đội tuyến quận, huyện. Đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về tình hình dịch, tư vấn về dịch bệnh cũng được thiết lập. Người dân có thể gọi số điện thoại: 0905154214 hoặc 0905672468. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là nơi thu thập các mẫu bệnh phẩm H7N9. Theo bác sĩ Huỳnh Thị Kim Yến, Phó giám đốc Sở Y tế, một trong những khó khăn hiện nay là phòng cách ly y tế tại Sân bay Đà Nẵng khá xa khu kiểm soát thân nhiệt khi hành khách xuống sân bay, nên giả sử có ca bệnh di chuyển cũng bất tiện. Hơn nữa, phòng này nhỏ và điều kiện chưa bảo đảm.

Tiếp thu ý kiến của bác sĩ Yến, ông Đoàn Hưng - Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Trung khẳng định đơn vị này sẽ khảo sát lại vị trí đặt khu cách ly hợp lý. Ông Hưng nói: “Phương án và sơ đồ ứng phó khi có tình huống xảy ra cũng phải có sự thay đổi cho phù hợp, bởi phương án và sơ đồ này vốn được xây dựng từ khi sân bay chưa có nhà ga mới, nay nhà ga mới đã được đưa vào hoạt động thì phải điều chỉnh”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương thống nhất với đề nghị của ông Hưng và yêu cầu Sở Y tế, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Đà Nẵng phối hợp với Sân bay Đà Nẵng xác định ngay vị trí đặt khu cách ly để có văn bản đề nghị Cảng vụ Hàng không miền Trung chủ trì, yêu cầu Sân bay Đà Nẵng bố trí địa điểm và tiến hành sửa chữa phù hợp.

Lập bệnh viện dã chiến nếu cần

Ông Đoàn Hưng cho biết, hiện có 9 hãng hàng không quốc tế mở đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, trong đó có 3 hãng của Trung Quốc. Mỗi quý có khoảng 58.000 lượt khách xuất nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng, trong đó có khoảng 29.000 lượt khách nhập cảnh; riêng khách Trung Quốc chiếm khoảng 10.000 lượt (50%) trong khi nước này đang là ổ dịch cúm A/H7N9. Như vậy, nguy cơ xâm nhiễm virus cúm A/H7N9 vào địa bàn Đà Nẵng rất cao. Hơn nữa, Đà Nẵng sắp diễn ra Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế (DIFC 2013), sẽ thu hút hàng trăm nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham dự, nên có thể có nguy cơ lây lan dịch bệnh. “Chúng tôi đang lưu ý đến những chuyến bay đột xuất qua vùng trời và đáp xuống Đà Nẵng ngoài dự kiến, nhất là những chuyến đến từ Trung Quốc, để thông báo kịp thời với Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế”, ông Hưng cho biết.

Bác sĩ Huỳnh Thị Kim Yến đề ra 4 tình huống giả định: chưa có trường hợp bệnh trên người; có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên người nhưng chưa phát hiện lây từ người sang người; phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ; và dịch bùng phát ra cộng đồng để chủ động ứng phó. “Nếu có từ 1-30 ca bệnh, sẽ tổ chức điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện Đà Nẵng. Nếu từ 1-20 bệnh nhân nhi tổ chức điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện Phụ sản - Nhi. Chúng ta sẽ thiết lập bệnh viện dã chiến nếu cần tại các khu vực đông bệnh nhân, tránh quá tải bệnh viện. Trong tình huống cần thiết sẽ mở rộng các đơn vị y tế tiếp nhận bệnh nhân, phân loại người bệnh điều trị tại các tuyến”, bác sĩ Yến nói.

Là một trong hai cơ sở được chỉ định thu dung, điều trị bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 trên địa bàn, bác sĩ Lê Đức Nhân, Phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, bệnh viện đã dành toàn bộ tầng 4 thuộc Khoa Y học nhiệt đới với 40 giường thành khu cách ly điều trị. Đường một chiều dành riêng cho bệnh nhân nhiễm cúm cũng được thiết lập sẵn, phòng khi có bệnh. Bệnh viện đã chuẩn bị sẵn 120 viên Tamiflu và 300 đồ bảo hộ, huy động sẵn máy thở để chủ động ứng phó nếu dịch xảy ra.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương chỉ đạo không được chủ quan, lơ là với dịch; yêu cầu Ban chỉ đạo ở từng đơn vị phải được rà soát lại và bổ sung nếu cần thiết. “Sở NN&PTNT chú ý các sản phẩm gia cầm, nhất là tình trạng giết mổ gia cầm sống tại các chợ hiện nay, đồng thời tăng cường hướng dẫn người dân dùng thực phẩm sạch; lập thêm các chốt kiểm soát, ngăn chặn gia cầm nhập lậu vào địa bàn nếu cần. Việc kiểm tra phải được thực hiện chặt chẽ tại các cửa khẩu”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố nói.

PHƯƠNG TRÀ


 

;
.
.
.
.
.