.

Người dân không nên hoang mang về dịch cúm A/H7N9

.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long, người dân không nên hoang mang trước thông tin về cúm A/H7N9 và thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng dịch thông thường sẽ phòng, chống được.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long kiểm tra phòng dịch tại nhà ga quốc tế Nội Bài
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long kiểm tra phòng dịch tại nhà ga quốc tế Nội Bài.

Dịch cúm A/H7N9 đang diễn biến theo chiều hướng nhanh và phức tạp tại nước láng giềng Trung Quốc, đúng vào thời điểm cách đây 10 năm Việt Nam đang phải đương đầu với đại dịch SARS. Hiện nước ta chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm cúm A/H7N9 nhưng tình hình này đang đặt ra những vấn đề cấp thiết cho việc chủ động phòng chống dịch bệnh có thể xảy ra.

Chủ động phòng, chống cúm A/H7N9 tại cửa khẩu

Ông Nguyễn Thành Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay: "Ngay khi nhận được thông tin Trung Quốc có nhiều trường hợp mắc cúm A/H7N9 với một số trường hợp tử vong, chúng tôi cho rằng nguy cơ xâm phập vào Việt Nam là rất lớn vì Trung Quốc cận kề với nước chúng ta; việc lưu thông, đi lại của người dân 2 nước rất thuận lợi qua đường bộ cũng như đường hàng không. Hơn nữa, đến thời điểm này người ta chưa xác định được nguồn lây. Vì vậy chúng tôi cho rằng, đó là yếu tố mà chúng tôi quan ngại là sự lan tràn hay sự xâm phập vào Việt Nam của căn bệnh này".

Trước nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra tại Việt Nam, Bộ Y tế đã lập tức triển khai ngay những biện pháp cần thiết và ngày 2-4 vừa qua, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc chuẩn bị những phương án để đối phó với dịch bệnh này và ngày 3-4, Bộ Y tế đã chính thức khởi động hệ thống từ giám sát cho đến điều trị để chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh.

Thứ trưởng cho biết, Bộ đã triển khai đồng loạt những biện pháp: thứ nhất, tăng cường giám sát, phát hiện sớm những ca bệnh. Cụ thể là đối với tất cả các cơ quan cửa khẩu phải tăng cường giám sát lượng hành khách nhập cảnh vào Việt Nam bằng cách kiểm soát thân nhiệt, đối với người nhập cảnh có thân nhiệt cao hơn lập tức có xử lý về mặt chuyên môn để có thể cách ly, xử lý điều trị  kịp thời; thứ 2, giao cho các cơ quan tiến hành lấy mẫu làm xét nghiệm để chuẩn đoán những trường hợp này; thứ 3, đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương tăng cường kiểm soát gia cầm nhập lậu và những gia cầm không rõ nguồn gốc.

Không nên sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mới này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khuyến cáo: Trước hết, chúng tôi đề nghị người dân không nên hoang mang trước thông tin này. Đầu tiên chúng ta có thể áp dụng các biện pháp dự phòng thông thường nhưng có hiệu quả và theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới, biện pháp đơn giản nhất là rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc chuẩn bị đồ ăn và khi tiếp xúc với thịt gia cầm, thịt động vật.

Phải đeo khẩu trang trong những trường hợp ho nhiều, hắt hơi, sổ mũi và khi ho, hắt hơi, sổ mũi, nên che để tránh phát tán. Chúng tôi khuyến cáo người dân nếu như xuất hiện những hội chứng, triệu chứng như cúm, ho, sốt hay sổ mũi, nhức đầu hãy đến các cơ quan y tế để được khám kịp thời, chuẩn đoán và điều trị.

Bộ Y tế đề nghị tất cả các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh, thành phố có cửa khẩu với Trung Quốc cần phải gia tăng việc kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn không cho gia cầm nhập lậu và không cho gia cầm chưa qua kiểm dịch nhập khẩu vào Việt Nam.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không nên sử dụng những gia cầm nhập lậu, gia cầm không rõ nguồn gốc và chưa qua kiểm dịch. Ngoài ra, phải áp dụng các biện pháp khi chế biến và sử dụng cần thiết, như phải luộc kỹ gia cầm sẽ không bị lây đặc biệt không được ăn tiết canh.

Tổng hợp theo VOV

;
.
.
.
.
.