.
Câu chuyện dân số

Cái nhìn “mở” về người đồng tính

Xúc động, đồng cảm, tán đồng, v.v..., đó là những phản hồi của số đông cộng đồng khi xem, nghe và thấy bức tranh thực về cuộc sống người đồng tính. Chưa bao giờ vấn đề về người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới lại được chính những người trong và ngoài cuộc chia sẻ một cách công khai, đa dạng như thời điểm hiện nay. Đồng thời, phản ứng trước những góc khuất chân thực đó lại chứa đựng nhiều yếu tố tích cực, mở ra cơ hội bình đẳng cho những người vốn từng bị coi thuộc về thế giới “bất bình thường”.

Đầu tiên phải kể đến loạt phóng sự ảnh Yêu là Yêu, đoạt giải nhất hạng mục các vấn đề đương đại, Cuộc thi ảnh báo chí thế giới 2013 (World Press Photo) của Maika (Nguyễn Thanh Hải). Nếu tình yêu của các cặp đồng tính từng bị soi mói, lảng tránh, thì qua bộ ảnh này, góc nhìn của người xem thay đổi đáng kể khi người ta thấy sự lung linh của tình yêu, bất kể họ là ai.

Ngoài bộ ảnh trên, đủ mọi giới, thành phần, lứa tuổi trong xã hội cũng đã góp tiếng nói theo cách riêng của mình để “bênh vực” người đồng tính. Hưởng ứng Ngày quốc tế chống kỳ thị người đồng tính, song tính và người chuyển giới vừa qua (17-5), Nhà hát Kịch Việt Nam và Chương trình cứu trợ khẩn cấp về phòng, chống HIV/AIDS thuộc phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Việt Nam phối hợp dựng vở diễn Chấm hỏi chấm than xoay quanh trăn trở và khao khát hòa nhập của những người thuộc “thế giới thứ ba”. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Trường ĐH Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, tung bộ ảnh Đồng tính - 10 điều muốn nói. Đạo diễn trẻ Tạ Nguyên Hiệp lại khiến cư dân mạng xôn xao trước clip ca nhạc Điều tuyệt vời thứ 10. 10 điều tuyệt vời mà người đồng tính trải qua trong tình yêu cũng không hề khác những cảm nhận tuyệt vời của bất kỳ cặp đôi nào. Clip này gửi gắm thông điệp: Chẳng có gì khác lạ khi một người đàn ông yêu... một người đàn ông.

Về khía cạnh quản lý Nhà nước, luật pháp Việt Nam cũng đang có động thái cân nhắc việc cho phép người đồng tính kết hôn và nhận con nuôi. Thông tin dẫn lại ý kiến của TS Nguyễn Thu Nam, Viện Chiến lược và chính sách Y tế (Bộ Y tế) trong Hội thảo “Quan hệ đồng giới” vừa diễn ra tại Hà Nội như sau: Kết quả nghiên cứu về tác động của việc công nhận hôn nhân đồng giới ở các nước trên thế giới cho thấy điều này (hôn nhân đồng giới) không gây hệ quả nào đến phát triển dân số, tỷ lệ ly hôn, tỷ lệ trẻ em phạm tội… cũng như quan niệm về thể chế gia đình truyền thống và sự phát triển của trẻ. Hơn nữa, nhờ được sống đúng là chính mình, những “người vợ”, “người chồng” cảm thấy thoải mái, hạnh phúc để hoàn thành vai trò của mình trong gia đình hơn là phải sống gượng ép.

Dù ở bất cứ động thái nào thì những hoạt động kể trên đều cho thấy xã hội đang có cái nhìn “mở” về người đồng tính. Trước đây, người ta không ngại cho mình cái quyền gọi người đồng tính là “pê-đê”, “lẹo cái”, thì nay người đồng tính dần được công nhận như một phần đa dạng của cuộc sống.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là cái nhìn “mở” chứ chưa “thoáng” khi qua khảo sát hàng ngàn người đồng tính trên tổng số khoảng 1,6 triệu người đồng tính tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường (ISEE) đã công bố (năm 2013) có 63% từng bị kỳ thị, 20% đã bị mất bạn khi “để lộ” thân phận thật của mình; 15% số người đồng tính bị gia đình chửi mắng, đánh đập. Nghiêm trọng hơn, 4,5% đã bị tấn công, 4,1% bị đuổi khỏi chỗ ở và 6,5% người đồng tính bị mất việc khi “bị phát hiện thân phận thật”.

Cuối cùng, “thân phận thật” của người đồng tính vẫn là điều khó nói nhất với bản thân họ. Song, khi xã hội không còn “quá sốc” trước thông tin một bạn nam, bạn nữ nào đó tự nhận giới tính thật của mình, thì đang có một thế hệ mới “bình tĩnh” hơn trước vấn đề đồng tính và nhận thức người đồng tính cũng cần được tôn trọng như bao con người khác.

THU HOA

;
.
.
.
.
.