Việc nhìn thấy con cười tưởng như là điều quá đỗi bình thường nhưng với nhiều ông bố, bà mẹ có con bị dị tật sứt môi, điều đó là nỗi mong mỏi da diết nhất.
Bé Y Duyên nở nụ cười với bố sau phẫu thuật. |
Khi con cười, mẹ khóc!
Ẵm đứa con bé bỏng sau khi phẫu thuật tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, chị Nguyễn Thị Hồng Cầm (34 tuổi, ở thành phố Quảng Ngãi) như muốn trào nước mắt vì vui sướng. Chị kể, từ lúc mới sinh ra, bé Lưu Ngọc Khánh (9 tháng tuổi) đã bị dị tật ở miệng. “Tui chẳng dám đưa bé đi đâu vì sợ những ánh mắt soi mói. Hai mẹ con suốt ngày ở trong nhà, có ai đến thăm tui cũng không cho tiếp xúc với bé”, chị Cầm kể. Nhìn bé cười với mình mà chị Cầm không giấu nổi tiếng khóc.
Vì bé Khánh không lành lặn như bao đứa trẻ khác nên chị Cầm không thể cho bú mà phải đút từng muỗng sữa. Nhiều lúc đút hai tiếng đồng hồ mà vẫn chưa được, chị vất cả ly sữa ôm con khóc. Đói vì thiếu sữa, bé Khánh khóc ngằn ngặt suốt đêm khiến cả nhà thao thức không ngủ được. “Hai vợ chồng làm thuê làm mướn chi tiêu tằn tiện chỉ đủ trang trải chi phí hằng ngày. Nghe đâu phẫu thuật cho con mất nhiều tiền lắm nên cứ nấn ná mãi. May sao qua truyền hình, biết thông tin có chương trình phẫu thuật miễn phí, tui liền đưa cháu đến đây”, chị Cầm bộc bạch.
Cùng hoàn cảnh với chị Cầm, anh A Che (27 tuổi, ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) không giấu được niềm xúc động khi con anh vừa được phẫu thuật miễn phí. Lần đầu tiên được bố đưa đến Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng chữa trị, bé Y Duyên (4 tuổi) thích thú lắm. Để có 4 triệu đồng chi phí tàu xe, anh Che đã phải chạy vạy khắp xóm vay mượn để những mùa rẫy sau sẽ trả. “Mình sinh được 2 con gái, chỉ có nó (Duyên) bị dị tật ở môi. Cứ nghĩ chắc suốt đời nó phải mang tật như vậy rồi vì mình không có tiền để phẫu thuật. May nhờ các bác sĩ tốt bụng lắm, cho nó phẫu thuật không mất tiền. Bác sĩ bảo vài bữa nó lại xinh như bông hoa rừng kia thôi”, anh A Che cười nói.
Anh A Che cho biết, khi ở nhà, bé Duyên rất sợ người lạ, suốt ngày luẩn quẩn sau bếp, không dám đi đâu vì sợ bị trêu chọc.
Mong con có nụ cười lành lặn là nỗi khát khao của anh Che, chị Cầm và hàng trăm bậc cha mẹ trên dải đất miền Trung. Cảnh nghèo khiến họ phải giấu đi ước muốn đó nếu như không có những tấm lòng...
Cười lên em nhé!
Bác sĩ Hoàng Văn Cúc, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, cho biết: “Mỗi ca phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch chi phí khoảng 7 triệu đồng, nhưng với các gia đình nghèo là cả vấn đề. Vì vậy, nhiều gia đình nghèo nấn ná không đưa bé đi phẫu thuật, làm các em mất đi cơ hội có được nụ cười lành lặn như bao đứa trẻ khác”.
Thỏa thuận hợp tác giữa Bệnh viện với Hiệp hội hỗ trợ y tế Việt Nam (Deviemed, CHLB Đức) để thành lập một đơn vị phẫu thuật miễn phí cho trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch và dị tật vùng mặt tại khu vực miền Trung đã mang lại hy vọng cho bao gia đình nghèo. Hoạt động này được tiến hành trong 5 năm (2011-2015) với kinh phí 200.000 USD, một phần do Deviemed tài trợ. Đặc biệt, nhiều gia đình ở xa Đà Nẵng còn được hỗ trợ chi phí tàu xe, ăn ở trong những ngày có con em phẫu thuật. Tất cả trẻ em gia đình nghèo, bị tật vùng mặt đều được phẫu thuật miễn phí và không giới hạn.
Bên cạnh tài trợ phẫu thuật miễn phí, Deviemed còn thực hiện viện trợ máy móc, chuyển giao kỹ thuật như: cung cấp một máy gây mê hiện đại và một lò hấp sấy dụng cụ với tổng kinh phí 100.000 EURO. Hiện tại mỗi năm Deviemed đều cử các đoàn giáo sư, bác sĩ, chuyên gia giỏi sang phối hợp cùng bác sĩ Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng phẫu thuật cho các bé. Các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia của Deviemed đã hỗ trợ đào tạo chuyên sâu cho cán bộ y tế của Bệnh viện trong các lĩnh vực phẫu thuật sứt môi, chỉnh răng, điều trị tai mũi họng, gây mê...
Hơn 300 trẻ em được phẫu thuật miễn phí trong thời gian qua là kết quả về sự nỗ lực của các y bác sĩ của Việt Nam và Đức. Con số này sẽ không dừng lại như tình yêu thương vẫn đong đầy...
Ước tính tại Việt Nam, cứ 500 trẻ sinh ra thì có một trẻ bị khe hở môi, hàm ếch và dị tật hàm - mặt. Ngoài việc phải chịu đựng những khiếm khuyết về thể chất, những khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày, các em chịu nhiều ảnh hưởng khác trong cộng đồng. |
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ