Nhiều bếp ăn tập thể (BATT) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn tiềm ẩn mối nguy cơ lớn về ngộ độc thực phẩm. Nhân Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) từ ngày 15-4 đến 15-5 năm nay với chủ đề “An toàn thực phẩm bếp ăn tập thể”, phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đà Nẵng. Ông Tiến khẳng định: “Nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm sẽ phạt nặng”.
Kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm tại Công ty TNHH Apsara. |
* Tình hình tại các BATT ở Đà Nẵng hiện nay như thế nào, thưa ông?
- Thời gian qua, tình hình an toàn thực phẩm tại BATT diễn biến phức tạp. Năm 2012, trên địa bàn cả nước xảy ra 33 vụ ngộ độc từ BATT/168 vụ ngộ độc, chiếm 20% số vụ, số người mắc ngộ độc từ BATT chiếm 41,8%. Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp với hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút hàng ngàn lao động ở nhiều nơi đổ về nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm không nhỏ.
Trên địa bàn Đà Nẵng, 5 năm trở lại đây có 2 vụ ngộ độc thực phẩm từ BATT, chiếm khoảng 18% các vụ ngộ độc thực phẩm. BATT là nơi có số lượng người ăn uống đông nên khi xảy ra ngộ độc thì thường rất nguy hiểm. Trong tháng hành động năm nay, chúng tôi tập trung vào các hoạt động: triển khai chiến dịch truyền thông bảo đảm VSATTP, thanh kiểm tra liên ngành việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP… Công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm năm nay hướng đến 3 đối tượng chính: lãnh đạo quản lý, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Đặc biệt, năm nay hoạt động ký cam kết giữa cơ quan quản lý với các doanh nghiệp có BATT trên địa bàn thành phố sẽ được đẩy mạnh với mục tiêu trên 90% doanh nghiệp có BATT thực hiện. Đồng thời, phấn đấu 100% các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được phổ biến những nội dung cơ bản của Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn liên quan.
* Việc ký cam kết thực hiện an toàn thực phẩm hiện nay như thế nào? Yếu tố pháp lý nào để ràng buộc các doanh nghiệp thực hiện cam kết, chế tài xử phạt liệu có đủ sức răn đe?
- Đến nay, dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng hầu hết các doanh nghiệp có BATT trên địa bàn đều đã tự nguyện ký cam kết bảo đảm an toàn. Việc ký cam kết được thực hiện theo quy mô suất ăn bảo đảm không trùng lắp. Cụ thể, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm ký cam kết với các doanh nghiệp có bếp ăn từ 200 người ăn trở lên, trưởng phòng y tế quận, huyện ký cam kết với doanh nghiệp có bếp ăn dưới 200 người ăn, trưởng trạm y tế xã, phường ký với đơn vị dưới 30 người (chủ yếu là các nhóm trẻ gia đình). Không chỉ ký cam kết, chúng tôi còn đi thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các doanh nghiệp này để xem việc thực hiện như thế nào.
Đợt này, 3 đoàn thanh tra của Chi cục sẽ kiểm tra tại 120 doanh nghiệp. Đồng thời, tại mỗi quận, huyện trên địa bàn sẽ có đoàn kiểm tra liên ngành tại địa phương. Việc thanh tra sẽ không báo trước cho doanh nghiệp. Mỗi ngày, chúng tôi lên danh sách, danh sách này hoàn toàn bí mật, chỉ có cán bộ thanh tra nắm danh sách, đoàn nào nắm danh sách đoàn đó và đi không báo trước. Sau đó, bốc thăm ngẫu nhiên để chọn đơn vị sẽ thanh tra. Vì vậy doanh nghiệp sẽ rất khó đối phó. Chúng tôi tập trung thanh tra, kiểm tra về nguyên liệu (nguồn gốc, chất lượng), chế biến, bảo quản, con người, cơ sở vật chất. Nếu sai phạm sẽ lập biên bản và xử phạt, mức phạt cao nhất năm nay là 100 triệu đồng. Mức phạt như vậy là cao, vì trước đây mức phạt cao nhất cũng chỉ vài chục triệu đồng.
Việc thanh tra, kiểm tra sẽ làm nhiều lần, đột xuất nên nếu tái phạm, lần sau phạt sẽ nặng hơn lần trước. Hơn nữa, thực ra doanh nghiệp phải hiểu bảo đảm an toàn thực phẩm trước hết là trách nhiệm, sau cũng vì quyền lợi của chính họ, bảo đảm thương hiệu, uy tín lâu dài nếu muốn làm ăn chân chính.
* Từ khi tiến hành đợt thanh tra đến nay, đã có bao nhiêu doanh nghiệp bị xử phạt?
- Hiện chúng tôi chưa thống kê nhưng cũng đã có hàng chục đơn vị bị xử lý, nhắc nhở. Chúng tôi không chỉ kiểm tra các BATT mà việc kiểm tra còn tập trung vào các nhà hàng, quán ăn… Các lỗi chủ yếu như: người trực tiếp sản xuất, kinh doanh chưa được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ theo đúng quy định, vệ sinh cơ sở chưa bảo đảm, thu gom rác… bề bộn, cống rãnh gần nơi chế biến thức ăn chưa nạo vét… Bên cạnh đó, tồn tại hiện nay ở nhiều doanh nghiệp là giá trị bữa ăn của công nhân còn thấp, có nơi giá chỉ khoảng 7.000 - 10.000 đồng (chưa kể lợi nhuận của nhà cung cấp) nên nguyên liệu chế biến chưa chất lượng, không vệ sinh. Không ít đơn vị ký hợp đồng với một đơn vị chế biến suất ăn ở nơi khác và vận chuyển đến, do đó nhiều khi thời gian vận chuyển dài, dụng cụ vận chuyển và phương tiện bảo quản… không bảo đảm, làm ô nhiễm thực phẩm.
* Xin cảm ơn ông!
KIM NGÂN thực hiện