.

Lo lắng khi ngừng vaccine “5 trong 1”

.

Trong những ngày 25 và 26-5, bồng con đến trạm y tế các phường tiêm chủng, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng khi biết việc ngừng tiêm vaccine “5 trong 1” Quinvaxem và chưa có vaccine thay thế.

Bồng con chờ tiêm chủng ở Trạm y tế phường Thạch Thang, quận Hải Châu.
Bồng con chờ tiêm chủng ở Trạm y tế phường Thạch Thang, quận Hải Châu.

Bao giờ mới có vaccine?

Sáng sớm, bồng con gái mới 3 tháng tuổi đến Trạm y tế phường Thanh Bình (quận Hải Châu) tiêm vaccine 5 trong 1, chị Lê Thanh Loan (29 tuổi, ở phường Thanh Bình) tỏ ra lo lắng khi y tá bảo phải chờ đến khi có vaccine thay thế. “Con trai tôi đã tiêm được một mũi vaccine 5 trong 1 rồi. Giờ đến tiêm mũi thứ hai nhưng cô y tá bảo ngừng tiêm vì vaccine này có vấn đề. Nếu sau này vẫn chưa có vaccine thay thế thì chờ đến 9 tháng mới được tiêm mũi sởi thứ nhất”, chị Loan thở dài nói.

Chị Loan cũng tỏ ra lo lắng và hỏi mãi vì chưa biết rõ liệu con có bị ảnh hưởng gì hay không khi đã tiêm mũi vaccine 5 trong 1 nay bị tạm ngừng sử dụng. Các bác sĩ, y tá ở Trạm y tế giải thích rằng con chị không sao cả vì đến nay đã một tháng rồi, nếu có phản ứng thì đã xảy ra từ tháng trước.

Vaccine 5 trong 1 là vaccine tổng hợp phòng 5 bệnh gây nguy hiểm cho trẻ gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và các bệnh gây ra do vi khuẩn Haemophilus influenzase (Hib), đặc biệt là viêm màng não mủ trong một mũi tiêm.

Tại Trạm y tế phường Thạch Thang (quận Hải Châu), số phụ huynh đưa trẻ đến tiêm phòng khá đông. Vừa bồng con gái mới 4 tháng tuổi vội vã ra xe khi nghe báo ngưng sử dụng vaccine 5 trong 1, chị Nguyễn Thu Sương (30 tuổi, ở phường Thạch Thang) vừa nói: “Vì chuyển nhà nên đến giờ cháu vẫn chưa được tiêm mũi “5 trong 1” nào. Chắc tôi phải đưa bé đi tiêm dịch vụ mũi “6 trong 1” chứ đợi thì biết đến bao giờ vì cháu đã bị tiêm trễ rồi (thường trẻ 2 tháng tuổi có thể đưa đi tiêm vaccine 5 trong 1), nếu không miễn dịch sớm lỡ có dịch bệnh thì nguy hiểm”.

Còn chị Phan Thị Hải (32 tuổi, ở phường Thạch Thang) lặng lẽ ôm con về. Chị Hải nói: “Vaccine 6 trong 1 nghe nói tới hơn 700.000 đồng/mũi. Điều kiện kinh tế gia đình hiện khó khăn quá. Thôi đành đợi có vaccine thay thế rồi tiêm cho bé vậy”.

Vẫn phải chờ…

Theo số trẻ sinh dự kiến, trung bình mỗi tháng tại thành phố Đà Nẵng tổ chức tiêm vaccine 5 trong 1 cho khoảng từ 4.000-5.000 trẻ. Tại các trạm y tế, y, bác sĩ ngoài việc tiêm chủng cho bé còn “kiêm” luôn nhiệm vụ giải thích về việc ngừng tiêm vaccine 5 trong 1. “Mấy tháng trước, y, bác sĩ chúng tôi lần nào tiêm cho các bé xong cũng lo nơm nớp, đến mức không ngủ được. Chỉ sợ lỡ có vấn đề gì với trẻ sau khi tiêm vaccine 5 trong 1. Trường hợp trẻ sốt, thậm chí phải nhập viện sau khi chúng tôi tiêm loại vaccine này đã từng xảy ra trước đây”, y sĩ Văn Thị Trí, cán bộ Trạm Y tế phường Thạch Thang cho biết.

Chị Trí bảo từ khi nghe nói ngừng vaccine 5 trong 1, cả trạm y tế ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Hiện giờ, những em đã được tiêm mũi 1 hoặc 2 vaccine 5 trong 1 thì sẽ được các y, bác sĩ cho uống vaccine bại liệt và chờ có vaccine thay thế. Trong đợt tiêm chủng tháng 5 này, trạm y tế đã thực hiện tiêm chủng mở rộng cho khoảng 200 bé. “Rất nhiều phụ huynh lo lắng hỏi khi nào có vaccine thay thế nhưng chúng tôi đều trả lời là phải chờ”, y sĩ Trí nói.

Trong khi đó, Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng cho biết, dù chưa có thống kê cụ thể nhưng ước tính, số lượng phụ huynh đưa trẻ đến tiêm vaccine 6 trong 1 trong tháng 5 này tăng gấp đôi so với những tháng trước. Vaccine 6 trong 1 bao gồm 6 thành phần: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan siêu vi B và các bệnh gây ra do vi khuẩn Haemophilus influenzase (Hib), đặc biệt là viêm màng não mủ trong một mũi tiêm. Vaccine này có thành phần ho gà vô bào nên hầu như ít gặp tác dụng phụ. Tuy nhiên, vì giá thành tương đối cao nên không phải gia đình nào cũng có khả năng cho con đi tiêm.

Ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng cho biết, tạm thời thì vẫn phải chờ vaccine thay thế nếu không muốn tiêm dịch vụ. Phụ huynh cần bình tĩnh chờ đợi, không nên quá lo lắng.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.