.

Quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng: Phạt ai, ai phạt?

.

Từ ngày 1-5, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực. Mức phạt cho hành vi hút thuốc lá nơi công cộng được nâng lên khá cao, từ 200.000 - 500.000 đồng/lần. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên Báo Đà Nẵng vào chiều 2-5, tình trạng hút thuốc tại các nhà ga, bệnh viện… trên địa bàn thành phố không có gì thay đổi.

Chưa phạt… chưa sợ!

Ngày 2-5, tại hầu hết các điểm công cộng ở Đà Nẵng, phần lớn người dân khi được hỏi vẫn ngơ ngác chưa biết quy định này. “Tôi vào bệnh viện đã 5 ngày rồi, nuôi vợ bị đau dạ dày. Tôi hút thuốc suốt, đâu thấy ai nhắc nhở gì đâu”, anh Vũ Văn Nam (34 tuổi, ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) vừa phì phèo điếu thuốc tại Bệnh viện Đà Nẵng vừa nói. Đứng gần anh Nam, ông Lê Hùng (65 tuổi, ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng) nói: “Quy định thì quy định thế chứ có thấy ai phạt đâu mà sợ. Năm ngoái tôi cũng nghe thông tin trên đài báo cấm hút thuốc nơi công cộng rồi chẳng thấy ai bị phạt, cũng không thấy ai ngừng hút cả”.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, 5 nhóm địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn: cơ sở y tế, giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, nơi vui chơi giải trí của trẻ em, phương tiện giao thông công cộng (ô-tô, máy bay, tàu điện) và cơ sở/khu vực có nguy cơ cháy nổ cao. Ngoài ra cũng sẽ cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà tại nơi làm việc, địa điểm công cộng, các trường ĐH, CĐ, học viện và các địa điểm công cộng.

Tại Ga Đà Nẵng, nơi có lưu lượng người đổ về khá đông vẫn không hiếm gặp cảnh nhiều người phì phèo điếu thuốc, nhất là cánh tài xế. Chị Ba, bán hàng nước gần Ga Đà Nẵng, cho biết: “Tôi bán nước giải khát cả ngày nay, thấy người ta vẫn hút thuốc trong nhà ga rất bình thường, đâu có ai phạt gì đâu. Nếu đã có quy định thì phải phạt thật mạnh tay, may ra mới khiến người ta ngừng hút. Ngửi khói thuốc một cách bất đắc dĩ nhiều khiến chị em cũng rất khó chịu”. Đứng cạnh chị Ba, anh Ngô Văn Nam đứng đợi đón khách đi xe ôm lo lắng nói: “500.000 đồng là bằng tiền công mấy ngày chạy xe ôm. Nếu phạt nặng thế chắc tôi bỏ hút thuốc chứ tiền đâu mà nộp phạt”.

Tại những điểm bán thuốc lá lẻ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, khi được hỏi đã biết Luật Phòng chống tác hại thuốc lá chưa thì hầu hết chủ quầy đều lắc đầu. Khi được hỏi về quy định cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi được nêu trong luật, bà Nguyễn Thị Lan, chủ quầy thuốc lá di động trên đường Ông Ích Khiêm nói: “Ai đến mua thì mình bán chứ chẳng lẽ đòi trình chứng minh nhân dân xem có đủ 18 tuổi hay không. Bán hàng kiểu đó chắc dẹp tiệm sớm quá”.

Có dễ phạt?

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng chiều 2-5, bác sĩ Hồ Lai Dũng, Chánh Thanh tra Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết hiện còn chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế mới triển khai xử phạt. Ông Dũng cũng thừa nhận việc xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng không phải dễ dàng bởi hành vi hút thuốc chỉ được thực hiện trong thời gian ngắn và bất chợt. “Mục đích chính vẫn là tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục cho người dân hiểu và tránh xa thuốc lá”, ông Dũng khẳng định. Để làm được điều này, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của nhiều cấp, ngành, địa phương chứ không phải chỉ riêng ngành y tế.

Hiện nay, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Đà Nẵng cũng đẩy mạnh việc truyền thông giúp người dân hiểu tác hại của thuốc lá cùng những quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. “Thực ra lâu nay việc tuyên truyền về tác hại thuốc lá vẫn được chúng tôi tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng các bảng cấm hút thuốc để cung cấp cho các đơn vị, cơ quan có nhu cầu”, bác sĩ Võ Thu Tùng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe nói.

Ông Tùng cho biết thêm, đơn vị đang gửi dự thảo xây dựng môi trường không khói thuốc lên UBND thành phố. Dự thảo này sẽ góp phần tuyên truyền đến các cơ quan, ban ngành văn hóa không khói thuốc nơi công cộng, khi làm việc. Theo bác sĩ Tùng, hiện có 30 cơ sở y tế, 17 trường ĐH, CĐ, 13 trường THPT cùng 80 cơ quan hành chính đã đăng ký thực hiện hoạt động quy định về môi trường không có thuốc lá.

Theo quy định hiện nay, trách nhiệm xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá thuộc về các Bộ: Y tế, Công an, Công thương, Quốc phòng. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách. UBND các cấp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để tổ chức, chỉ đạo, bố trí lực lượng và phân công trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý vi phạm hành chính… Tuy nhiên, để luật đi vào thực tiễn vẫn còn là chặng đường dài…

Dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực vào ngày 1-5 có một số mức xử phạt hành chính đáng chú ý: phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với người hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm; bỏ tàn, mẩu thuốc không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.

Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với chủ cơ sở: không treo biển có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá; không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá trong cơ sở của mình; không tổ chức thực hiện, hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.

Phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với người sử dụng, mua bán thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi.

Phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với người bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá; không treo biển thông báo không bán thuốc lá cho  người chưa đủ 18 tuổi.

Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với điểm bán lẻ thuốc lá trưng bày quá 1 bao hoặc 1 tút hoặc 1 hộp của một nhãn hiệu thuốc lá; bán thuốc không ghi nhãn, in hình cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá. Đối với đại lý bán lẻ mà vi phạm thì phạt từ 5-10 triệu đồng.

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.