.

Hỗ trợ y tế cho ngư dân: Còn bỏ ngỏ

.

Nhiều ngày lênh đênh trên biển, khi xảy ra sự cố ngoài khơi, các tàu cá chỉ biết liên lạc về đất liền xin trợ giúp. Những thông tin cơ bản về sơ cấp cứu ban đầu, thậm chí việc trang bị một tủ thuốc đi biển cho những bệnh lý thông thường dường như ngư dân không mấy quan tâm.

Ngư dân khi lao động sản xuất trên biển luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm về sức khỏe.  TRONG ẢNH: Danang MRCC phối hợp với 115 sơ cứu cho ngư dân bị nạn.
Ngư dân khi lao động sản xuất trên biển luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm về sức khỏe. TRONG ẢNH: Danang MRCC phối hợp với 115 sơ cứu cho ngư dân bị nạn.

“Không biết thuốc gì”

Đi biển hơn mấy chục năm nay nhưng với lão ngư Nguyễn Anh (chủ tàu ĐNa 90450 TS) mỗi lần trên tàu có người đau ốm lại khiến ông lo lắng. Không chỉ công việc sản xuất trên biển bị ngưng trệ mà ngay tính mạng của người bệnh cũng khó được bảo toàn. “Như đau bụng, cảm sốt bình thường thì mình còn biết cách uống thuốc nhưng với những người gặp tai nạn lao động thì chúng tôi chỉ còn biết liên lạc về đất liền để xin hỗ trợ”, ông Anh nói.

Không chỉ tàu của ông Anh, các tàu khai thác hải sản dài ngày tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa luôn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, nhất là những khi thời tiết bất thường xảy ra. Có tàu mới vừa ra khơi, thuyền viên trên tàu bỗng nhiên đau ốm bất thường cũng không biết cách xử lý đành phải quay vào bờ làm lỡ mất chuyến đi, gây thiệt hại nghiêm trọng. Ông Đỗ Nở (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), chủ tàu ĐNa 36358 TS, cho biết: “Tàu đánh bắt xa bờ khi gặp hoàn cảnh lao động bị bệnh hay gãy tay, gãy chân chủ tàu rất lo sợ. Do không biết phải xử lý thế nào, nên thuyền trưởng chọn cách cho tàu chạy nhanh vào đảo gần nhất nhờ sơ cứu hoặc chạy thẳng về đất liền để chữa trị”. Khi được hỏi về các kỹ năng sơ cấp cứu như hô hấp nhân tạo khi không may bị ngạt nước hoặc băng bó cho các trường hợp gãy tay, chân… các ngư dân đều trả lời không biết.

Nguy hiểm đến tính mạng là vậy, nhưng trong hành trình đi biển bao đời nay của ngư dân, ngoài tấm lưới, cần câu, hầu như không có thuốc thang gì. Ông Lưu Quang Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Đà Nẵng), cho biết các tàu đánh bắt xa bờ bắt buộc phải có tủ thuốc cấp cứu cho tai nạn lao động và các bệnh đau ốm thông thường. Quy định là vậy nhưng hầu như các chủ tàu đánh bắt xa bờ vẫn “ngó lơ”. Việc trang bị một thùng thuốc di động chỉ từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng nhưng ngư dân không sắm, ngành chức năng bỏ qua. Một vài tàu cá cũng có trang bị tủ thuốc, thế nhưng ngay cả thuyền trưởng lẫn thuyền viên đều không biết đó là thuốc gì. Những viên thuốc đủ màu xanh, đỏ lâu ngày đã hết hạn sử dụng, ngư dân cũng chẳng quan tâm đến.

Khó khăn trong công tác cứu nạn

Khi xảy ra sự cố ngoài khơi, Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng là nơi đầu tiên nhận được những thông tin từ các tàu cá. Sau đó, Đài sẽ thông báo thông tin tới Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang MRCC) và Trung tâm Cấp cứu 115 của thành phố để tiếp cận với ngư dân. Thế nhưng, việc tiếp cận cũng rất khó khăn do nhiều yếu tố bất lợi về thời tiết, địa hình, thời gian... “Phần lớn ngư dân đánh bắt xa bờ khi xảy ra bất trắc phải mất rất nhiều thời gian tàu cứu nạn mới chạy ra được với tàu bị nạn. Nếu gặp bão to, việc tiếp cận với tàu đã khó, nói chi đến việc cứu nạn”, ông Bùi Tân Nguyên, Phó Giám đốc Danang MRCC, cho biết.

Được biết, hiện nay công tác tập huấn cho ngư dân về sơ cấp cứu cũng gặp nhiều khó khăn, một phần do ý thức của ngư dân, phần thiếu kinh phí. Bác sĩ Trần Ngọc Quang (Danang MRCC), người trực tiếp tổ chức nhiều lớp tập huấn cho ngư dân, cho biết: “Chúng tôi nhiều lần mở các lớp tập huấn, nhưng nhiều ngư dân không chịu đi hoặc nhờ vợ hoặc con, cháu đi thay. Ngư dân mình còn coi thường tính mạng khi làm việc trong môi trường lao động khắc nghiệt, ăn uống không điều độ rất dễ bị bệnh hoặc tai nạn lao động”.

Với 15.000km2 ngư trường khai thác, hiện nay, Đà Nẵng có hơn 800 tàu đánh bắt xa bờ thì chỉ Danang MRCC và 115 thôi là chưa đủ. Vì vậy, cần có những cơ chế về y tế phù hợp để ngư dân yên tâm bám biển dài ngày.

Bài và ảnh: MAI KHÔI
 

;
.
.
.
.
.