Ngày 20-6, Bộ Y tế đã thông báo kết quả kiểm nghiệm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về sự an toàn của vắc xin Quinvaxem, phòng chống 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do Hàn Quốc sản xuất.
Theo kết quả kiểm nghiệm tại phòng thí nghiệm theo yêu cầu của WHO, vắc xin Quinvaxem đạt chất lượng an toàn, hiệu quả. Vì vậy, WHO khuyến cáo vắc xin Quinvaxem phù hợp để sử dụng trong các chương trình tiêm chủng quốc gia.
Kết quả kiểm định của WHO cho thấy vắc xin Quinvaxem là an toàn, chất lượng. |
WHO cũng có kết quả về các trường hợp phản ứng nặng, tử vong sau tiêm Quinvaxem ở Việt Nam kể từ năm 2010 đến nay. Theo đó, trong số 43 trường hợp nặng có 27 trường hợp tử vong không liên quan đến tiêm chủng; 9 trường hợp có thể liên quan đến tiêm vắc xin Quinvaxem nhưng đều hồi phục.
Các trường hợp còn lại được xác định không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vắcxin. Riêng từ đầu năm 2013 đến nay, Việt Nam có 5 trường hợp tử vong sau tiêm Quinvaxem và cả 5 trường hợp này theo đánh giá của nhóm chuyên gia WHO đều không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vắc xin.
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, căn cứ kết quả của WHO và kinh nghiệm của các nước như Sri Lanka, Bhutan sử dụng lại vắc xin Quinvaxem sau khi tạm ngừng, đồng thời căn cứ kết luận của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế, để chủ động phòng bệnh cho trẻ em và duy trì thành quả của Chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất cho phép tiếp tục sử dụng lại vắc xin này trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia trong thời gian tới.
Theo WHO, từ năm 2006, vắc xin Quinvaxem đã được sử dụng ở hơn 90 nước với tổng số trên 400 triệu liều. Tại Việt Nam, vắc xin Quinvaxem được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 2010 do Liên minh toàn cầu về vắc xin tiêm chủng viện trợ. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 15,8 triệu liều và đã cấp phát 15,2 triệu liều cho các địa phương.