.

An toàn vệ sinh thực phẩm: Không yên tâm với... thành tích

.

Có đến 88% các cơ sở được thanh tra, kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đạt tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế. Theo nhận định của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý Nhà nước về VSATTP diễn ra vào sáng 25-7, đó là kết quả rất đáng… không yên tâm.

Thực tế hiện nay, VSATTP là vấn đề khiến người dân luôn lo ngại. Việc chưa có những vụ ngộ độc gây tử vong chẳng qua phần nhiều là do may mắn…

Kiểm tra các mặt hàng mứt, bánh, kẹo tại chợ Cồn.                       Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Kiểm tra các mặt hàng mứt, bánh, kẹo tại chợ Cồn. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Chỉ có 12% cơ sở vi phạm

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP thành phố, 6 tháng đầu năm 2013, toàn thành phố đã thanh kiểm tra 4.465/6.461 cơ sở. Trong đó, số cơ sở đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế là 3.927, đạt tỷ lệ 88%; số cơ sở vi phạm chiếm 12%.

Trong 538 cơ sở vi phạm thì chủ yếu hình thức xử phạt là cảnh cáo (442 cơ sở), số còn lại bị phạt tiền với tổng mức phạt gần 139 triệu đồng. Nội dung vi phạm nhiều nhất là chưa bảo đảm về điều kiện con người, tiếp đến là cơ sở vật chất và trang thiết bị dụng cụ. Ngoài ra, các cơ sở còn vi phạm công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn thực phẩm, hạn sử dụng.

Đối với thực phẩm nhập khẩu, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thành phố đã kiểm tra 197 lô hàng, gồm 220 mặt hàng. Theo đó, tất cả lô hàng trên đều đạt yêu cầu về những nội dung theo quy định đối với hàng thực phẩm nhập khẩu, chưa phát hiện lô nào không đạt chất lượng.

Công tác xét nghiệm chỉ tiêu sinh vật, hóa lý cũng có kết quả tỷ lệ mẫu đạt rất cao với mức từ 92,5 - 98%.

Về tình hình ngộ độc thực phẩm, 6 tháng qua, toàn thành phố xảy ra 4 vụ lẻ tẻ với 92 người mắc và không có vụ ngộ độc hàng loạt (trên 30 người/vụ).

Đánh giá về kết quả này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cho rằng, đây là những con số cần nghiêm túc xem xét lại, nhất là với việc tổng kết vào 6 tháng cuối năm. Mặc dù ghi nhận các sở, ngành liên quan đã có cố gắng giải quyết tình hình VSATTP, nhưng so với một vài thành phố khác làm tốt công tác này thì thấy số liệu của Đà Nẵng hơi… chênh. Trong khi các nơi phát hiện 90% cơ sở vi phạm, chỉ có 10% đạt tiêu chuẩn, thì Đà Nẵng ngược lại, chỉ 12% không đạt, còn 88% đạt quy định Bộ Y tế. “Phải chăng vấn đề VSATTP của thành phố ta quá tốt, hay chúng ta xuê xoa trong quản lý?”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương nói.

Lúng túng trong quản lý

Việc quản lý bếp ăn tập thể cho công nhân cũng như các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thời vụ ven biển hiện còn thiếu sự “ăn rơ” giữa cấp địa phương và thành phố. Thực tế này cũng đã được đưa ra phân tích trong khuôn khổ Hội nghị.

Thạc sĩ Y tế công cộng Nguyễn Văn Thuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà chia sẻ: Hiện nay, ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc, thuộc khu vực địa bàn quận Sơn Trà có 109 có sở kinh doanh mặt hàng ăn uống ven biển. Trong đó, 67 cơ sở buôn bán thời vụ, chủ yếu hoạt động vài tháng hè. Đây chính là những điểm tiềm ẩn nguy cơ cao ngộ độc thực phẩm vì khu vực buôn bán là đất chiếm dụng hoặc đất thuê, thiếu điều kiện nước sạch, nhà vệ sinh, người tham gia biến động liên tục và chủ yếu là người nghèo mất đất sản xuất. “Làm quyết liệt quá thì ảnh hưởng đến an sinh xã hội vì con cái họ được ăn học, chăm sóc cũng từ cái quán ăn đó. Ngược lại, xử lý nhẹ thì vi phạm cứ lặp đi lặp lại. Làm sao giải quyết hài hòa việc bảo đảm VSATTP và an sinh xã hội là điều địa phương còn lúng túng, cần sự định hướng từ ngành y tế thành phố”.

Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Chi cục trưởng ATVSTP - cho rằng mọi quyền hạn đã được phân cấp rõ ràng nên địa phương phải căn cứ theo quy định để xử lý. Thành phố không thể với tay đến tất cả hơn 6.000 cơ sở dịch vụ ăn uống trên toàn địa bàn.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết thêm, với bếp ăn tập thể, hiện có 45 bếp ăn ở khu công nghiệp và 48 bếp ăn của xí nghiệp ngoài khu công nghiệp. Tất cả bếp ăn này đều được Chi cục trực tiếp quản lý và đã có chứng nhận đủ điều kiện hoạt động. Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Thành - đại diện Ban quản lý (BQL) Khu công nghiệp - đề nghị cần giao quyền cho BQL Khu công nghiệp để giám sát, đồng ý ký kết hoặc dừng hoạt động đối với bếp ăn không bảo đảm quy định. Như lâu nay, BQL chỉ tư vấn, khuyến cáo chung chung…

Năm 2014 thành lập phòng kiểm nghiệm

Một trong những khó khăn trong quản lý nguồn thực phẩm hiện nay tại Đà Nẵng là thiếu phòng kiểm nghiệm. Đại diện Sở NN&PTNT cho biết, phải đến gần nửa tháng mới lấy được kết quả xét nghiệm do phải chuyển đi nơi khác có phương tiện máy móc. Trong khi đó, rau củ chỉ qua vài ngày là hư hại rồi, nên kết quả chuyển về nếu như thế nào cũng không còn nhiều ý nghĩa. Hiện nay, chỉ 15-20% thực phẩm thịt, rau, củ quả đang tiêu thụ trên địa bàn có nguồn gốc từ Đà Nẵng, 80% còn lại là hàng nhập về.

Kiểm nghiệm không nhanh chóng, kèm với việc không nắm được lai lịch nơi sản xuất, cung cấp thì đúng là… bó tay. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương đề xuất đến năm 2014, Đà Nẵng sẽ thành lập phòng kiểm nghiệm; đồng thời, các cơ sở vi phạm sẽ bị công bố danh sách trên phương tiện thông tin đại chúng và bị áp dụng khung hình phạt cao nhất có thể.

THU HOA

;
.
.
.
.
.