Sau hai tháng đề xuất hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Khoa Phục hồi chức năng cho trẻ em thuộc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã hình thành và chính thức hoạt động vào chiều qua (16-7).
Sự kiện này được các bác sĩ gọi là “giấc mơ” khi việc can thiệp sớm cho những đứa trẻ kém may mắn từ lúc mới lọt lòng hoàn toàn trong tầm tay.
Bác sĩ Hà Thị Kim Yến (bìa trái) và Giám đốc USAID Việt Nam Joakim Parker chia sẻ về tình trạng bệnh nhi. |
Rút ngắn tối thiểu 30% thời gian điều trị
Khoa Phục hồi chức năng (PHCN) có phòng vật lý trị liệu cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tuổi gồm các chức năng điều trị hô hấp, vận động, ngôn ngữ v.v... Thời gian đầu đi vào hoạt động, Khoa nhận được sự hỗ trợ tận tình và trực tiếp của bác sĩ Hà Thị Kim Yến, chuyên gia PHCN đến từ Bệnh viện Nhi đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Không chỉ mở thêm một phương pháp điều trị cho bệnh nhi, việc chữa bệnh bằng vật lý trị liệu có ý nghĩa vô cùng tích cực, đó là hạn chế tối đa sử dụng thuốc kháng sinh đối với trẻ em. Đặc biệt, với dạng bệnh liên quan đến hô hấp, long đờm rất thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, việc điều trị đã trở nên cực kỳ đơn giản và tạo được “bất ngờ ngoạn mục” với bác sĩ, gia đình người bệnh và nhà tài trợ USAID.
Đặt một bệnh nhi 9 tháng tuổi nằm nghiêng trên giường, dùng chai nước muối (loại thuốc muối thông dụng thường dùng vệ sinh mắt, mũi cho trẻ em) nhỏ vào một bên lỗ mũi, phía bên kia, từng dòng dịch đờm chảy ra ròng ròng, kết thúc quá trình điều trị trong vài chục giây, đó là phương pháp trị liệu hô hấp được bác sĩ Hà Thị Kim Yến thực hiện. Bác sĩ Yến giải thích thêm: Bị nghẹt mũi tưởng đơn giản nhưng là vấn đề lớn, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của trẻ, nhất là trẻ dưới 6 tháng. Ở lứa tuổi này, cơ thể trẻ chỉ thở được bằng mũi, lại chưa biết tự khạc đờm, do đó, nếu bị nghẹt thì trẻ sẽ khó ăn, khó ngủ, sụt cân và suy nhược sức khỏe.
Theo bác sĩ Thanh Cẩm, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Phụ sản - Nhi, từ trước đến nay, việc điều trị trẻ bị bệnh long đờm là cho nhập viện và dùng kháng sinh. Tuy nhiên, bằng phương pháp mới như cách của bác sĩ Yến thì trẻ hoàn toàn điều trị ngoại trú, thời gian dứt bệnh có thể rút ngắn tối thiểu là 30% và nhất là tránh tối đa sử dụng thuốc. Dù các thao tác chữa bệnh trông có vẻ đơn giản, nhưng như bác sĩ Cẩm chia sẻ, phải là người có chuyên môn cao thực hiện, thậm chí cử nhân y khoa chuyên về PHCN mới ra trường thì bệnh viện cũng chưa dám giao các ca này.
Nhu cầu được can thiệp sớm rất lớn
Bác sĩ Lê Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi cho biết, trước đây do chưa có khoa PHCN nên phải chuyển bệnh nhi sang nơi khác tiếp tục điều trị. Trong khi đó, nhu cầu PHCN ở trẻ em hiện rất lớn. Việc di chuyển trẻ sơ sinh thường không an toàn, một số gia đình không có điều kiện đi lại nên trẻ mất cơ hội can thiệp sớm. Đây là điều vô cùng đáng tiếc bởi nhiều bệnh chỉ cần phát hiện và điều trị kịp thời thì khả năng phục hồi cao, trẻ tránh bị khuyết tật về sau. Hiện nay, trung bình cứ 100 trẻ nhập viện tại đây thì có một trẻ bị bại não, số lượng trẻ bị tự kỷ, khó khăn ngôn ngữ cũng không ngừng tăng lên. Với dạng bệnh này, can thiệp sớm có thể giúp trẻ được phát triển bình thường.
Bác sĩ Thanh Cẩm chia sẻ thêm, với trẻ sinh non và bệnh sơ sinh, việc điều trị kéo dài đầu tiên là ảnh hưởng đến hô hấp, mất phản xạ bú nuốt. Thở oxy nhiều cũng khiến trẻ có nguy cơ bị bệnh võng mạc, thần kinh. Song song chữa bệnh và phục hồi chức năng sẽ giúp trẻ ổn định sức khỏe nhanh chóng. Điều này góp phần không nhỏ tiết kiệm tiền bạc, công sức của gia đình và tránh các khuyết tật lâu dài đáng tiếc cho trẻ.
Bệnh viện Phụ sản - Nhi cho biết, năm qua, nơi đây tiếp nhận 167.586 lượt bệnh nhân, trong đó có 65.818 nội trú, số bệnh nhân ngoại tỉnh chiếm 30%. Như vậy, việc PHCN không chỉ có ý nghĩa với trẻ em Đà Nẵng mà còn với trẻ ở các tỉnh, thành phố lân cận. Bệnh nhi có bảo hiểm y tế cũng sẽ được áp dụng các chính sách miễn phí khi PHCN.
Bày tỏ niềm xúc động trước hoạt động nhân văn này, Giám đốc USAID Việt Nam Joakim Parker cho biết, đầu tư cơ sở vật chất cho Khoa PHCN chỉ là bước khởi đầu, trong thời gian tới, USAID sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo con người. Bản thân ông tự hào khi được tận mắt nhìn thấy những trẻ em kém may mắn có thể được phục hồi sức khỏe tại nơi này.
Bài và ảnh: THU HOA