Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số (2003-2013), mức sinh của Đà Nẵng có xu hướng giảm, trung bình mỗi năm giảm 0,41‰; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm đều qua các năm. Năm 2001, trung bình một phụ nữ sinh 2,76 con, đến năm 2008 giảm xuống còn 1,94 con, thấp hơn mức sinh thay thế; tỷ lệ giới tính khi sinh tại Đà Nẵng thời điểm này là 108 bé trai/100 bé gái. Những thông tin này được Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thành phố công bố ngày 10-7.
Chi cục DS-KHHGĐ cho biết, quy mô, chất lượng dân số thành phố cũng đã có những thay đổi. Cụ thể, tuổi thọ bình quân của người dân hiện nay là 75,9 tuổi; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 23,6% (năm 2003) xuống còn 5,4% (năm 2012); tỷ lệ nạo - hút thai giảm từ 49,9%/tổng số ca trẻ sinh ra sống (năm 2003) xuống còn 41,7% (năm 2012). Đặc biệt, tỷ suất chết mẹ do thai sản từ 25,17/100.000 ca (năm 2003) đến nay không có trường hợp tử vong.
Để đạt kết quả trên, Đà Nẵng đã ban hành các chính sách ngoài chương trình mục tiêu quốc gia như bồi dưỡng 700.000 đồng/người tự nguyện triệt sản, 50.000 đồng/người cho thực hiện đặt vòng tránh thai và 50.000 đồng/ca cho người vận động triệt sản. UBND các quận, huyện cũng hỗ trợ thêm, tùy điều kiện ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, việc thực hiện Pháp lệnh Dân số còn một số hạn chế như chưa có chế tài xử lý trường hợp người dân vi phạm chính sách DS-KHHGĐ. Trong 10 năm qua, chỉ có đối tượng cán bộ, công chức, viên chức vi phạm bị xử lý bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức, thôi việc, không kết nạp Đảng và chậm nâng lương với tổng cộng 275 người. Đồng thời, Đà Nẵng vẫn chưa có quy định bắt buộc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân hay các cơ sở, dịch vụ y tế vẫn thông báo kết quả giới tính thai nhi dù bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức...
THU HOA