.

Đem yêu thương nối những nhịp tim

.

Đằng sau những nụ cười hồn nhiên của những em bé vừa được mổ tim là biết bao mồ hôi, nước mắt của cha, của mẹ, của những người thầy thuốc áo trắng...

Bé Phạm Tấn Thịnh và mẹ sau khi bé được các bác sĩ can thiệp tim mạch.
Bé Phạm Tấn Thịnh và mẹ sau khi bé được các bác sĩ can thiệp tim mạch.

“Con muốn làm bác sĩ”

6 tuổi, 5 lần lên bàn mổ, bé Trần Thanh Hiền (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) giờ đây đã khỏe khoắn và hiếu động trở lại. Nhìn con nô đùa ngoài sân, mẹ bé Hiền - chị Nguyễn Thị Lan (44 tuổi) - xúc động đến trào nước mắt. “Các y, bác sĩ khoa Phẫu thuật và Can thiệp tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng đã cho con tôi cuộc đời thứ hai”, chị Lan nói.

Khi mới hơn 1 tuổi, các móng tay, móng chân của Hiền dần dần tím tái. Lo lắng, chị Lan đưa con đến khám ở Bệnh viện Đà Nẵng. Và kết luận của bác sĩ khiến chị Lan muốn ngất xỉu: Hiền bị bệnh tim bẩm sinh.

14 tháng tuổi, Hiền đã phải lên bàn mổ lần đầu tiên. Tay chân Hiền tím ngắt, rồi đến nách, môi cũng tím. Hiền dần lớn lên cùng căn bệnh quái ác. Trái tim của người mẹ mỗi lần nhìn thấy con thì lại một lần nhói đau. Nỗi đau song hành với nỗi lo làm sao kiếm được tiền chữa bệnh cho con khiến chị Lan già hơn nhiều so với tuổi. Lương làm công nhân may của chị và cán bộ phường của anh cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống cho hai vợ chồng và hai đứa con, nói gì đến chuyện phẫu thuật cho con. Họ hàng nghèo, bạn bè cũng không dư dả gì, vợ chồng chị Lan tưởng như buông xuôi. Các y, bác sĩ khoa Phẫu thuật và Can thiệp tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng biết hoàn cảnh, huy động nhiều nguồn hỗ trợ để mổ miễn phí cho bé Hiền với tổng trị giá khoảng 100 triệu đồng. “Con muốn học thật giỏi, làm bác sĩ để cứu chữa cho nhiều em bé bị bệnh tim giống như các bác từng chữa cho con”, Hiền thổ lộ.

Bé Phạm Tấn Thịnh (13 tháng tuổi, ở xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) cũng vừa được các bác sĩ can thiệp tim mạch vào tháng 3 năm nay với kinh phí khoảng 30 triệu đồng. “Cháu bị sốt, ho và không chịu bú. Cứ tưởng cháu bị cảm cúm nên đưa vào bệnh viện ở quê thì các bác sĩ nói nghi bị tim. Tui đưa cháu ra Bệnh viện Đà Nẵng, các bác sĩ giúp phẫu thuật miễn phí. Đến giờ cháu đã khỏe lại, không hay khóc nữa”, chị Trần Thị Hương (32 tuổi) - mẹ bé Thịnh thổ lộ.

Hai vợ chồng chị Hương quanh năm đầu tắt mặt tối trên mảnh ruộng nuôi 4 miệng ăn. Chị Hương bảo, khi nghe tin bé Thịnh phải phẫu thuật, hai vợ chồng khóc hết nước mắt, chạy quanh mượn tiền nhưng gom mãi cũng chỉ được 10 triệu đồng. Rồi niềm vui đến khi Thịnh được các bác sĩ khoa Phẫu thuật và Can thiệp tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng kêu gọi nguồn hỗ trợ để mổ tim miễn phí. Ngủ thiêm thiếp trên tay mẹ, thỉnh thoảng Thịnh lại nhoẻn miệng cười. Trong giấc mơ ngây thơ ấy, có lẽ bé không biết được những lo toan của cha mẹ, của các y, bác sĩ.

Yêu thương lan tỏa

“Vì nghèo khó, không có tiền chữa trị nên nhiều em phải sống triền miên trong bệnh tật. Chúng tôi mong muốn sẽ ngày càng có nhiều sự hỗ trợ để có thể cứu chữa cho nhiều em bé hơn nữa, để trả lại cho các em một trái tim khỏe mạnh”, bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết.

Từ năm 2006 đến nay, lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng đã cử nhiều ê-kíp đi đào tạo trong và ngoài nước, tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều phía để từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị để từng bước thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Phẫu thuật can thiệp tim mạch trở thành một trong những mũi nhọn của bệnh viện. 5 năm qua, khoa Phẫu thuật và Can thiệp tim mạch đã điều trị cho hơn 1.600 bệnh nhân, trong đó 81% là bệnh nhân bị tim bẩm sinh, 19% bệnh tim mắc phải. Đặc biệt, số bệnh nhi dưới 6 tuổi chiếm 40%. Khoa cũng đã phẫu thuật tim hở cho khoảng 800 trường hợp với tỷ lệ thành công cao và hạn chế các biến chứng. Nhờ sự giúp đỡ và liên kết với các trung tâm tim mạch hàng đầu như: Viện tim thành phố Hồ Chí Minh, Viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội)…, đến nay, các bác sĩ phẫu thuật trong khoa có thể tự đảm nhận các bệnh tim thông thường mà còn có thể phẫu thuật các bệnh tim phức tạp ở trẻ có cân nặng dưới 10kg. Các phẫu thuật viên tim mạch còn điều trị các bệnh lý cấp cứu tim mạch như: vết thương và chấn thương tim, mạch máu.

Song song với phẫu thuật, can thiệp tim mạch cho bệnh nhân bị tim bẩm sinh trở thành một thế mạnh của Bệnh viện Đà Nẵng. Theo bác sĩ Thạnh, đây là phương pháp tiên tiến trên thế giới, được phát triển mạnh trong những năm gần đây với nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp phẫu thuật tim hở kinh điển nhờ bảo đảm tính thẩm mỹ không để lại  sẹo, độ an toàn cho người bệnh cao, thời gian phục hồi sau điều trị nhanh chóng. Đến nay, khoa Phẫu thuật và Can thiệp tim mạch đã can thiệp cho hơn 900 bệnh nhân, trong đó có hơn 800 trường hợp tim bẩm sinh, còn lại là tim mắc phải.

Để tạo điều kiện cho việc điều trị tim, UBND thành phố đầu tư ban đầu cho phòng mổ tim hiện đại cho khoa Phẫu thuật và Can thiệp tim mạch như: máy tuần hoàn ngoài cơ thể, máy hạ nhiệt cơ thể, máy gây mê, máy thở, giường hồi sức tim. Tổ chức Trái tim vì trái tim cũng đã ủng hộ kinh phí xây dựng phòng can thiệp thông tim gần 20 tỷ đồng…

Hành trình chữa bệnh tim mới chỉ bắt đầu, bác sĩ Thạnh nói như vậy. Những trái tim yếu ớt bé bỏng vẫn cần lắm những bàn tay yêu thương để kết nối những nhịp tim, đưa các em về với cuộc sống bình thường.

Bài và ảnh: K.NGÂN - T.BÌNH

;
.
.
.
.
.