.

Hiểu đúng về bệnh ung thư

.

Hễ nghe đến ung thư, lập tức nhiều người nghĩ “thôi rồi, hết đường hy vọng!”. Theo các chuyên gia phòng, chống ung thư, điều này xuất phát từ việc người dân chưa có hiểu biết cơ bản đúng về căn bệnh này.

Qua điều tra cộng đồng tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước về kiến thức, thực hành phòng một số bệnh ung thư phổ biến cho thấy, gần 70% số người được hỏi cho rằng ung thư là bệnh nan y, việc phát hiện sớm hay muộn cũng thế thôi; khoảng 36% cho rằng việc đụng dao kéo vào (tức dùng phương pháp phẫu thuật) sẽ làm di căn sớm và chóng chết.

Siêu âm chẩn đoán bệnh tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng.
Siêu âm chẩn đoán bệnh tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng.

Chủ yếu bệnh nhân điều trị ở giai đoạn muộn

Nghiên cứu gần 52.000 bệnh nhân ung thư khám và điều trị tại 5 bệnh viện lớn trên cả nước năm 2009 cho thấy, số ca đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn chiếm đến 71,4%. Tương tự, tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng hiện đa phần bệnh nhân đến khi bệnh đã ở giai đoạn III hoặc IV; rất ít bệnh nhân đến ở giai đoạn I, II.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, ngoài lý do như biểu hiện lâm sàng của một số loại bệnh ung thư không rõ dễ khiến người mắc chủ quan về tình trạng sức khỏe của bản thân, còn có một nguyên nhân khá quan trọng là việc tầm soát, phát hiện sớm ung thư chưa được coi trọng, xuất phát từ chỗ thiếu hiểu biết về phòng bệnh ung thư. Một số bộ phận cơ thể nằm ở vùng dễ tiếp cận nên mọi người có thể dễ phát hiện dấu hiệu bất thường để đi khám và chẩn đoán sớm như ung thư vú, cổ tử cung, đầu - mặt - cổ, v.v…

Phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì khả năng chữa khỏi bệnh rất cao. Đối với bệnh ung thư, 1/3 có thể phòng ngừa, 1/3 được chữa khỏi nếu phát hiện sớm và 1/3 còn lại là giai đoạn muộn có thể điều trị hỗ trợ, nâng cao chất lượng cuộc sống. Giai đoạn I hầu như được điều trị khỏi gồm lành bệnh hoàn toàn, tăng tỷ lệ thời gian sống 5 năm… “Như vậy, nếu nghĩ ung thư sớm hay muộn cũng thế thôi thì đó là quan niệm sai lầm”, bác sĩ Hùng nói.

Nâng cao hiểu biết để phòng bệnh

Theo chiến lược phòng chống ung thư tại Việt Nam, đến năm 2020 sẽ có 70% dân số hiểu biết đúng về ung thư. Cũng như các địa phương khác, tại Đà Nẵng, việc truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác dự phòng bệnh được coi là mục tiêu được quan tâm hàng đầu; đồng thời việc khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú, cổ tử cung, khoang miệng, đại trực tràng, v.v… được ưu tiên thực hiện.

Đối mặt với bệnh ung thư thực sự là gánh nặng không của riêng quốc gia nào. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm toàn cầu có hơn 12,7 triệu người mắc và 7,6 triệu người chết do ung thư. Nếu không được can thiệp kịp thời, dự báo năm 2020 sẽ có 30 triệu người sống chung với ung thư.

Điều tra sơ bộ tình hình bệnh nhân ung thư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho thấy, các bệnh mắc nhiều nhất là u ác vú, gan, đường mật, khí quản phế quản, phổi, dạ dày, đại tràng, trực tràng, bàng quan, môi - khoang miệng, hầu, cơ quan sinh dục nữ, não. Bệnh nhân đa phần là người nghèo, việc điều trị tốn kém càng là bài toán khó giải với gia đình họ. Tuy nhiên, cơ hội được can thiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống của người mắc là có cơ sở, đặc biệt kết quả điều trị sẽ tích cực trong giai đoạn phát hiện bệnh sớm.

Từ năm 2009 đến nay, đã có gần 5.000 lượt người tại 32 xã, phường thuộc quận Cẩm Lệ, Thanh Khê, Sơn Trà và huyện Hòa Vang được tầm soát, phát hiện ung thư vú, cổ tử cung miễn phí.

Đối với bệnh ung thư, 1/3 có thể phòng ngừa, 1/3 được chữa khỏi nếu phát hiện sớm và 1/3 còn lại là giai đoạn muộn có thể điều trị hỗ trợ, nâng cao chất lượng cuộc sống. Giai đoạn I hầu như được điều trị khỏi gồm lành bệnh hoàn toàn, tăng tỷ lệ thời gian sống 5 năm…

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.