Bên cạnh những mặt tích cực, việc lực lượng lao động đổ về Đà Nẵng cũng đặt lên vai những nhà quản lý không ít khó khăn và thách thức.
Tuyên truyền vận động người dân thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình nhân Ngày Dân số Việt Nam. |
Theo kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2015 tại Đà Nẵng, quy mô dân số dưới hoặc bằng 1,2 triệu người, trong đó chất lượng dân số, chất lượng nguồn lực phải bảo đảm đáp ứng được nhu cầu của thành phố trẻ. Để đạt được điều đó, những năm qua, cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã vào cuộc quyết liệt, qua đó nâng cao nhận thức của người dân chấp nhận thực hiện chính sách dân số, các dịch vụ chăm sóc-kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) cũng được nâng lên rõ rệt…
Chị Chế Thị Hồng, cộng tác viên dân số xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang), gắn bó với chương trình dân số 15 năm qua, khẳng định: Nhờ có chương trình dân số, đời sống của bà con trong thôn Cẩm Toại Tây (xã Hòa Phong) mới thay đổi được như bây giờ, nhiều gia đình thoát nghèo, một số hộ đã vươn lên làm giàu. Và để có được kết quả ấy, những người làm công tác dân số đã phải nỗ lực không ngừng… Chị Hồng kể: “Mới đầu, tôi không được bà con không tín nhiệm đâu, đi vận động không ai nghe. Tuy nhiên sau đó, một vài chị em trong thôn đã chấp nhận đặt vòng, triệt sản, từ đó sức khỏe họ được bảo đảm hơn nhờ không tăng sinh, làm ăn phát triển, và bà con đã dần nghe theo…”. Đây chỉ là một ví dụ về công tác vận động tuyên truyền về thực hiện dân số-KHHGĐ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Để nâng cao chất lượng dân số, chính quyền thành phố đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách cụ thể, bám sát thực tế ở địa phương. Một trong những giải pháp được triển khai trong năm 2013 là chú trọng tuyên truyền về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, triển khai khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại cộng đồng, đồng thời triển khai đồng bộ chăm sóc người cao tuổi. Hiện tuổi thọ bình quân của người dân thành phố Đà Nẵng đạt gần 76 tuổi. Song, tỷ lệ người có tuổi thọ bình quân khỏe mạnh còn thấp, nên đây cũng là thách thức cần giải quyết.
Bên cạnh đó, một điều đáng quan ngại là tỷ số giới tính khi sinh đang có chiều hướng gia tăng tại một số quận, huyện của thành phố. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do người dân còn nặng tâm lý muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng và nương tựa lúc tuổi già.
Việt Nam đang ở thời kỳ “dân số vàng” với lợi thế mỗi năm có khoảng hơn một triệu người bước vào độ tuổi lao động. Ðó là nguồn lao động rất lớn. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực lại rất thấp. Tỷ lệ nguồn nhân lực, người lao động qua đào tạo mới đạt gần 30%, tỷ lệ có bằng cấp chỉ chiếm khoảng 8%. Trong nền kinh tế thị trường toàn cầu hóa, với chất lượng nguồn nhân lực như thế, chúng ta sẽ rất khó cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Quỹ Dân số LHQ nhấn mạnh: Chất lượng dân số thấp đang là yếu tố cản trở sự phát triển và đặt Việt Nam trước nguy cơ tụt hậu xa hơn. Chỉ số phát triển con người của nước ra tuy từng bước được cải thiện, nhưng vẫn ở mức thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và thấp xa so với các nước công nghiệp. Ðể nâng cao chất lượng dân số, Việt Nam cần nhiều giải pháp mạnh. Nâng cao chất lượng dân số được coi là mục tiêu số một của ngành dân số thành phố thời gian tới. Ðể thực hiện được điều này, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp trong toàn thành phố với những mục tiêu và chính sách cụ thể, quyết đoán từ cấp vĩ mô đến cơ sở.
Bài và ảnh: MINH PHÚC