Sau các sự cố về vaccine trong thời gian qua, không ít phụ huynh tỏ thái độ quay lưng với vaccine, bất kể chủng ngừa bệnh gì. Các bậc cha mẹ tìm đủ cách “né” để con khỏi “bị” tiêm vaccine. Cách đối phó với tiêm chủng khá phổ biến hiện nay là trì hoãn lịch tiêm hoặc “lót tay” cho cán bộ y tế ký xác nhận vào sổ tiêm chủng.
Điều này chưa biết có thực sự là giải pháp tốt bảo vệ sức khỏe cho trẻ hay không, chỉ biết trẻ đang bị thiệt thòi trong phòng bệnh; còn cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái cụ thể giúp phụ huynh hiểu về vaccine để có quyết định đúng đắn.
Tại một số trường mầm non chất lượng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trẻ luôn được yêu cầu bắt buộc phải được tiêm đủ một số vaccine phòng bệnh như quai bị, thủy đậu, viêm não, v.v… (ngoài các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng). Tuy vậy, sau các sự cố liên quan đến vaccine viêm gan B thời gian qua, nhiều phụ huynh đã ngưng kế hoạch chủng ngừa bệnh cho con. Để đối phó với yêu cầu của nhà trường, không ít phụ huynh tìm mọi phương kế…
Một phụ huynh cho biết, đáng lý thời điểm này, con của chị (gần 2 tuổi) đã được tiêm mũi phòng bệnh thủy đậu để hoàn tất hồ sơ nhập học mầm non. Nhưng vì không yên tâm với vaccine nên chị xin “nợ” nhà trường mũi tiêm này và thực sự vẫn chưa biết đến khi nào bé mới có thể trả “nợ”. Trước đó, chị đã chia sẻ với nhà trường về lý do trì hoãn lịch tiêm vaccine. Tuy nhiên, quan điểm của các trường nhìn chung vẫn là ủng hộ chuyện trẻ em phải được tiêm đủ mũi để không chỉ phòng bệnh cho bản thân bé mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe chung cho toàn thể học sinh trong trường.
Không chỉ xin “nợ” mũi tiêm, có phụ huynh còn “lót tay” cán bộ y tế phường để nhờ xác nhận trẻ đã được chủng ngừa đủ các loại theo yêu cầu, dù rằng trên thực tế bé hoàn toàn không tiêm vaccine đó. “Mỗi lần “mua” xác nhận như thế là 100.000 đồng”, phụ huynh này cho biết. Áp dụng cho gia đình mình trót lọt, bà mẹ này đã rỉ tai cho các bà mẹ khác làm theo. Bằng cách này, trẻ vẫn bảo đảm hồ sơ hợp lệ vào trường mà không bị bắt bẻ.
Không ít bà mẹ, dù con mới 2 tháng tuổi nhưng cũng nấn ná việc tiêm vaccine trong chương trình quốc gia. Chuyện “trốn tránh” vaccine có vẻ đơn giản, nhưng hậu quả của nó thì khó lường, bởi nếu cứ trốn mãi thì trẻ là người chịu thiệt thòi nhất khi không được tiêm đủ mũi, đủ loại phòng bệnh, nhất là bệnh dịch.
Cần có những khuyến cáo chính xác và thống nhất từ phía cơ quan chức năng có thẩm quyền để phụ huynh hiểu đúng về giá trị của vaccine. Bởi trên thực tế thời gian qua, rất nhiều thông tin liên quan đến vaccine được cập nhật và phát ngôn nhưng vẫn là những ý kiến trái chiều chứ chưa nhất quán. Chuyên gia này nói nên tiêm, chuyên gia khác khuyên không, cơ quan này nói vaccine an toàn, cơ quan khác đánh giá loại thuốc đó đã lỗi thời, v.v… thì phụ huynh cũng “mù trời đông” khi đưa ra quyết định tiêm chủng cho trẻ.
Cha mẹ nào cũng muốn con mình được bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất, nên việc họ tạm “nói không” với vaccine chẳng qua chỉ là chuyện bất đắc dĩ. Do đó, rất cần tiếng nói có chuyên môn và đầy trách nhiệm của cơ quan chức năng trong câu chuyện này.
THU HOA