.

Vì sao bạn nên ăn côn trùng?

.

Với hàm lượng đạm và chất béo cao, cùng hiệu quả sinh sản tuyệt vời, côn trùng là yếu tố hứa hẹn trong việc ngăn chặn nạn khủng hoảng lương thực sắp xảy ra trên toàn cầu.

Món dế mèn rán.
Món dế mèn rán.

Khi dân số thế giới gia tăng, điều quan trọng hơn bao giờ hết là phải “hạ nhiệt” mức độ tiêu thụ các nguồn tài nguyên đang cạn kiệt dần trên trái đất. Loài người hiện tiêu thụ ít nhất 40% năng suất tiềm năng trên mặt đất và khoảng 30% diện tích đất của trái đất đang được dùng làm đồng cỏ và chăn thả gia súc.

Việc dự trữ lương thực đang ở mức thấp nhất trong vòng 40 năm qua, nhưng với tình trạng bùng nổ dân số, mà LHQ dự tính sẽ đạt tới 9 tỷ người vào năm 2050, nhu cầu lương thực sẽ tăng đáng kể trong nhiều thập niên tiếp theo. Biến đổi khí hậu, giảm hiệu suất canh tác với diện tích đất nông nghiệp, đánh bắt quá mức, khai thác cạn kiệt các nguồn nước sạch, ô nhiễm từ các loại phân bón và thuốc diệt côn trùng cùng một loạt các yếu tố khác cho thấy, việc dân số gia tăng sẽ đặt ra gánh nặng bất tương xứng với nền sinh quyển của trái đất. Có một điều gì đó cần phải thay đổi.

Có một giải pháp khả thi xuất hiện ngay trước mắt chúng ta, cũng như ngay dưới chân và xung quanh ta, đó là côn trùng. Mặc dù gần như mọi người phương Tây đều tỏ ra kinh ngạc trước ý tưởng ăn các loài sinh vật nhỏ bé 6 chân này, nhưng những con côn trùng lại có nhiều thuộc tính làm cho chúng trở thành nguồn thực phẩm bền vững và có giá trị dinh dưỡng cao rất hấp dẫn.

Thực tế, 2 trong số 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ (xóa đói giảm nghèo và giảm tỷ lệ tử vong của trẻ) có thể được giải quyết trực tiếp bằng việc thúc đẩy việc tiêu thụ các loại côn trùng ăn được.

Có thể thấy, nhu cầu sử dụng côn trùng để cải thiện an ninh lương thực đã và đang ngày càng trở nên bức thiết hơn trong nhiều năm trở lại đây. Khoảng từ năm 2004, Tổ chức Nông - Lương LHQ (FAO) đã rất quan tâm tới việc sử dụng côn trùng như nguồn thực phẩm thay thế. Do đó, FAO đã tổ chức 2 cuộc họp quốc tế, tập hợp các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và đại diện các ngành công nghiệp từ khắp nơi trên thế giới để cùng thảo luận về tính khả thi cũng như ích lợi của việc sử dụng côn trùng làm thực phẩm. Cuộc họp thứ nhất là hội thảo ở Thái Lan, sau đó đã ra đời cuốn sách quan trọng Forest Insects as Food: Humans Bite Back. Lần thứ hai là tư vấn kỹ thuật mà tác giả bài viết này có dịp tham dự vào tháng 1-2012 tại trụ sở của FAO tại Rome (Ý).

Mặc dù các đại biểu tham dự đều nhận thấy sẽ cần phải thu hút nhiều chính phủ và ngành công nghiệp các nước ủng hộ việc thực thi rộng rãi chế độ ăn sử dụng côn trùng, nhưng rõ ràng, mọi người rất lạc quan về việc các thực phẩm làm từ côn trùng sẽ được hiện thực hóa thành một phần quan trọng trong tương lai của chúng ta.

Thực phẩm lành mạnh, môi trường lành mạnh

Động vật, bao gồm các loài côn trùng, là nguồn dinh dưỡng cần thiết đa dạng rất quan trọng, thậm chí duy nhất, ví như 8 loại axit amin thiết yếu, vitamin B12, vitamin B2, dạng thức hoạt tính sinh hoạt của vitamin A và nhiều khoáng chất khác.

(Dữ liệu từ Tạp chí nghiên cứu Finke năm 2012 của Cơ sở dữ liệu dùng làm tài liệu tham khảo chính thức của Hội Dinh dưỡng quốc gia Mỹ USDA  và Hội đồng xuất khẩu sữa Mỹ)
(Dữ liệu từ Tạp chí nghiên cứu Finke năm 2012 của Cơ sở dữ liệu dùng làm tài liệu tham khảo chính thức của Hội Dinh dưỡng quốc gia Mỹ USDA và Hội đồng xuất khẩu sữa Mỹ)

Côn trùng có hàm lượng protein đặc biệt cao, chúng có thể đạt tới mức tương đương với thịt bò và sữa. Chẳng hạn, trong 100g dế có chứa tới 21g protein, trong khi 100g thịt bò cũng chỉ chứa 26g protein và trong 100g sữa cũng có khoảng 26g chất này. Côn trùng cũng rất giàu hàm lượng chất béo, nên có thể bổ sung lượng calo rất lớn trong bữa ăn con người, nhất là những vùng có nạn đói.

Ăn côn trùng thay cho thực phẩm từ gia súc cũng sẽ tốt hơn cho môi trường. Thêm nữa, việc sản xuất ra côn trùng bền vững và tiết kiệm hơn so với việc chăn nuôi những loài gia súc lớn. Côn trùng cũng tỏ ra hiệu quả trong việc biến đổi một loạt các chất hữu cơ thành những sản phẩm con người có thể ăn được. Chẳng hạn, phải mất 8g thức ăn để bò tạo ra được 1g cân nặng, trong khi đó, côn trùng chỉ cần gần 2g thức ăn để tạo ra được lượng cân nặng tương đương.

Điều này một phần là vì thực tế, các loài côn trùng là động vật biến nhiệt, hoặc “máu lạnh”. Do đó, chúng mất ít năng lượng hơn để duy trì nhiệt độ cơ thể. Hiệu quả này giúp giảm bớt lượng thức ăn cần thiết để tạo ra lượng “thịt” tương đương, giảm bớt lượng nước sử dụng cho tưới tiêu, giảm diện tích đất trồng rau cỏ cho gia súc. Không những thế, việc dùng thuốc trừ sâu cũng rất tốn kém, lại có hại với môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe con người.

Ngoài ra, nhiều loại côn trùng như ruồi, dế, châu chấu và các loài bọ cánh cứng có thể tiêu thụ các rác thải nông nghiệp hoặc ăn những loài cây mà cả người và các loài gia súc truyền thống không ăn được. Nhờ việc chuyển hóa các loại chất thải sinh học con người không tiêu thụ được, côn trùng cũng không cạnh tranh nguồn thực phẩm với con người. Điều này khác với những loài gia súc khác như bò và gà, chúng được nuôi bằng ngũ cốc và ngô, đây là những thực phẩm con người cũng có thể sử dụng.

Côn trùng cũng dễ dàng để được gây dựng thành trang trại với số lượng lớn nhưng lại sử dụng không gian rất nhỏ. Nếu so với các loài động vật khác, côn trùng có khả năng sinh sản cao hơn đáng kể. Thêm nữa, với vòng đời ngắn, chúng cũng phát triển rất nhanh. Chẳng hạn, loài dế có thể đẻ từ 1.200 - 1.500 quả trứng trong thời gian từ 3-4 tuần. Trong khi đó, với bò thịt, để có một con bán ra thị trường, phải có 4 con khác phải được sinh ra. Côn trùng cũng sử dụng ít nước hơn so với các loài gia súc vì chúng lấy nước trực tiếp từ thức ăn. Điều cuối cùng là côn trùng thải ra một lượng khí nhà kính thấp hơn so với bò.

Bữa tiệc côn trùng

Côn trùng là nhóm sinh vật lớn và đa dạng nhất trên trái đất với hơn 1 triệu loài được mô tả và ước tính có từ 4-30 triệu loài. Chúng sống trong mọi ngõ ngách cư trú của loài người và hơn thế nữa. Tính đa dạng này biến chúng trở thành giải pháp an toàn hơn với vấn đề an ninh lương thực của nhân loại, nếu so với các loài gia súc, gia cầm và thậm chí là cá. Bởi cá đang ngày càng dễ nhiễm bệnh hơn và bị khai thác quá mức trong thiên nhiên.

Vì có những loài côn trùng gần như có mặt ở khắp nơi trên trái đất nên ở một số địa phương có những loài được bắt hoặc nuôi làm thực phẩm mà không cần nhập khẩu từ bên ngoài. Theo ước tính của FAO, hiện có hơn 1.400 loài côn trùng đã được con người sử dụng. Theo những ước tính khác, con số này có thể lên tới hơn 2.000 loài.

Như vậy, trong vấn đề sử dụng thực phẩm từ côn trùng, sẽ không có bất cứ giới hạn nào. Một khi các công nghệ đã được phát triển để sản xuất các thành phần thực phẩm từ côn trùng, chúng có thể được tích hợp vào nhiều loại sản phẩm tiêu dùng đa dạng như các sản phẩm thay thế thịt, các loại sản phẩm khô được tăng cường protein như ngũ cốc hoặc đồ ăn nhanh. Cũng đã có một thị trường ngày càng gia tăng của các thực phẩm từ côn trùng trên toàn thế giới.

Một số nhà hàng ở Mỹ, nhất là những nơi phục vụ các món ăn châu Á và Mỹ Latinh, cũng đang tăng cường phục vụ các món ăn côn trùng trong thực đơn của họ. Thêm nữa, các món ăn côn trùng cũng hàm chứa tiềm năng phát triển cho các loại thực phẩm giá trị cao khác như phụ gia thực phẩm, các chất bổ sung dinh dưỡng, kháng sinh, vật liệu sinh học và nhiều thứ khác nữa.

Các sản phẩm làm từ chất kitin trong khung xương côn trùng, là chất còn sót lại sau khi chế biến thực phẩm, có thể được chứng minh cũng chứa một nguồn tài nguyên giá trị khác. Và nguồn tài nguyên này sẽ tạo ra doanh thu đủ lớn để trợ cấp cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm từ côn trùng.

Tóm lại, côn trùng có tiềm năng rất lớn trong việc đóng góp vào nền an ninh lương thực toàn cầu. Chúng cho thấy cơ hội đáng kể trong việc cung cấp các chất dinh dưỡng có nguồn gốc động vật rất cần thiết, nhất là với các quốc gia đang phát triển. Thực sự, tiềm năng để côn trùng có thể đóng góp vào sự bền vững và thịnh vượng của loài người bị đánh giá thấp chỉ vì sự đa đạng và khả năng thích ứng đáng kinh ngạc mà những sinh vật đặc biệt này đã thể hiện trong tự nhiên.

DƯƠNG KIM THOA (Theo The Scientist)

;
.
.
.
.
.