.

Vì sao khó sinh con?

.

Ngày càng nhiều phụ nữ, nhất là ở các đô thị lớn, khó thực hiện được thiên chức làm mẹ.

Nỗi niềm

Sáng sớm, chị Nguyễn Thị Thu (37 tuổi, ở quận Thanh Khê) đã có mặt ở Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để khám tổng quát. Trò chuyện với chúng tôi, chị buồn rầu cho biết: “Mình lấy chồng đã 10 năm nay rồi mà chưa có con. Hai vợ chồng suốt ngày đi ra đi vào chạm mặt nhau lại càng buồn…”.

Có con là niềm hạnh phúc của người mẹ. (Ảnh mang tính minh họa) Ảnh: KIM NGÂN
Có con là niềm hạnh phúc của người mẹ. (Ảnh mang tính minh họa) Ảnh: KIM NGÂN

Lấy chồng năm 27 tuổi, 6 tháng sau khi cưới chị Thu mang thai. Chị kể, lúc đó hoàn cảnh hai đứa quá khó khăn, chồng chị là kỹ sư điện lạnh nhưng công việc chưa ổn định, thu nhập bấp bênh; còn chị vừa xin vào làm kế toán của một công ty tư nhân trên đường Hùng Vương. Khó khăn lắm mới xin được việc với mức lương khá nên chị Thu rất sợ mất việc nếu có con. Bàn đi tính lại, cuối cùng anh chị quyết định bỏ đứa bé. Sau lần hút thai đó, chị Thu luôn uống thuốc ngừa thai, dự tính khoảng 5 năm sau thì sinh con đầu lòng. Thế nhưng, nay đã gần 10 năm mà anh chị vẫn chưa đạt được ý nguyện. Dù chị liên tục đi khám ở nhiều cơ sở y tế uy tín tại Đà Nẵng và cả các nơi khác nhưng vẫn chưa có tín hiệu vui.

Còn chị Lê Thị Lan (ở quận Hải Châu) lại là một trường hợp khác. 24 tuổi cưới chồng, chỉ mấy tháng sau chị có thai và sinh được một bé gái đầu lòng rất kháu khỉnh, đặt tên là Nơ. Khi bé Nơ tròn 1 tuổi, chị bị “vỡ kế hoạch” nên phải phá bỏ thai vì lúc sinh bé Nơ thì chị sinh mổ, bác sĩ dặn ít nhất 3 năm sau mới nên có con lại. Sau khi phá thai, chị Lan liên tục uống thuốc ngừa thai.

Bây giờ, khi bé Nơ học lớp 2, kinh tế gia đình khá giả, chị mong muốn sinh thêm một bé nữa cho vui cửa vui nhà nhưng “thả” mãi mà vẫn không đậu. “Sau khi bác sĩ nói mình bị hẹp ống dẫn trứng nên vô sinh, nhưng mình không tin vì mình đã có một đứa con rồi”, chị Lan thắc mắc.

Dù bác sĩ giải thích vô sinh có nhiều nguyên nhân, nhiều trường hợp dù đã có con vẫn có thể bị vô sinh nếu nạo hút thai, sẩy thai, bệnh tình dục… nhưng chị Lan cứ băn khoăn mãi. “Biết khó sinh thế này mình đã đẻ sớm hơn chứ không kế hoạch lâu như thế nữa”, chị Lan nuối tiếc.

1.001 lý do

Dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng rảo quanh một số cơ sở y tế lớn trên địa bàn thành phố, rất dễ nhận thấy số chị em đi phá thai là không nhỏ. “Vợ chồng trẻ hay các bạn gái chưa từng sinh con phải cân nhắc kỹ việc phá thai, bởi nhiều chị em từng bị sẩy thai, nạo phá thai và có tiền sử viêm nhiễm tử cung… rất khó có con. Có khoảng 50% chị em khi đến khám bị chậm con là do trước đây đã từng nạo, phá thai không an toàn”, bác sĩ Lâm Thị Hồng, khoa Phụ sản - Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho biết.

Cũng theo bác sĩ Hồng, việc trì hoãn có con quá lâu, dùng các loại thuốc tránh thai bừa bãi không theo chỉ định của bác sĩ hoặc phụ nữ lớn tuổi cũng khiến khó có thể có con. Hiện nay, nhiều em còn đang độ tuổi học sinh, sinh viên nạo hút thai nên dễ có nguy cơ khó có con về sau. Không ít bạn trẻ cho rằng, hút điều hòa không gây tác hại gì nhưng thực tế nó để lại nhiều hậu quả đáng tiếc như viêm, nhiễm nấm, tổn thương vòi trứng, mất khả năng mang thai. Bệnh viêm nhiễm đường sinh dục cũng là một nguyên nhân đáng lo ngại ở chị em phụ nữ hiện nay. Viêm nhiễm đường sinh dục thường mang đến hậu quả là gây tắc hai ống dẫn trứng. Khi ống dẫn trứng bị tắc, đường đi của tinh trùng bị cản lại nên noãn có phóng ra cũng không thể thụ tinh.

Một thực tế là ngày càng có nhiều chị em khó có con hoặc chậm con dù có những chị em trước đó đã từng có một đứa con. Vô sinh sau khi đã sinh con hoặc có thai một hoặc vài lần trước đó gọi là vô sinh thứ phát. Theo các bác sĩ, việc nạo hút thai, quan hệ tình dục không đúng cách, lạm dụng chất kích thích... đều rất dễ dẫn đến viêm tắc vòi trứng làm tỷ lệ vô sinh thứ phát đang gia tăng nhanh.

KIM NGÂN - THANH BÌNH

;
.
.
.
.
.