.
Bài toán giảm tải bệnh viện

Bài 2: Mỗi nơi một kiểu "sống chung"

.

Nói đi, nói lại chuyện quá tải cũng không giải quyết được gì nên các bệnh viện tự tìm cách “sống chung” bằng nhiều giải pháp trước mắt.

Một cách chống quá tải của Bệnh viện Đà Nẵng: kho phát thuốc trở thành phòng bệnh tại khoa Nội tim mạch.  					           Ảnh: THU HOA
Một cách chống quá tải của Bệnh viện Đà Nẵng: kho phát thuốc trở thành phòng bệnh tại khoa Nội tim mạch. Ảnh: THU HOA

Không để “ngồi viện”

Với công suất giường luôn đạt trên 100%, điều này có nghĩa bệnh nhân phải nằm ghép 2 hoặc 3, thậm chí phải… “ngồi viện” chứ không phải nằm viện. Bác sĩ Lê Hồng Hải, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết trước đây có chuyện bệnh nhân chỉ có thể ngồi chứ không còn lấy một chỗ nằm. Nhưng hiện nay, bệnh viện đã tìm mọi cách để giải quyết chỗ nằm cho bệnh nhân mỗi người một giường.

Minh chứng cho điều này, bác sĩ Hải đưa chúng tôi đến khoa Hồi sức cấp cứu xem khu vực vốn trước đây là kho phát thuốc nay đã trở thành phòng điều trị với 5 giường bệnh. Dù khoảng cách giữa các giường vẫn không bảo đảm tiêu chuẩn, nhưng trước mắt là bệnh nhân không phải nằm ghép.

Tương tự, tại khoa Nội tim mạch, phòng trưởng khoa này đã được cải tạo thành phòng cho bệnh nhân. Bác sĩ Hải nói: “Mọi không gian đều được ưu tiên kê thêm giường bệnh. Rút bớt phòng nhân viên, khu giảng dạy, phòng trưởng khoa và tận dụng mọi khoảng trống là giải pháp để tăng chỗ kê giường bệnh. Bên cạnh đó, bệnh viện cải tạo nâng cấp một số khu nhà xuống cấp, chật hẹp để nới rộng diện tích; đồng thời tăng số bàn mổ từ 14 lên thành 20 để bệnh nhân bớt thời gian chờ đợi”. Điều này một phần giải thích vì sao trong tháng 6 vừa qua, khảo sát mức độ hài lòng của bệnh nhân (285 người ngẫu nhiên được chọn khảo sát bằng phiếu trả lời câu hỏi) thì có đến 99,6% hài lòng. Điều bệnh nhân hài lòng lớn nhất là từ nay vào viện không phải nằm chung với người khác.

Tình trạng chỉ tiêu giường bệnh một đằng, số thực kê một nẻo diễn ra phổ biến hầu khắp các bệnh viện lớn, nhỏ. Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng dù mới được thành lập nhưng sự quá tải thường xuyên diễn ra. Quy mô 600 giường, nhưng hiện tại bệnh viện có hơn 1.000 giường bệnh. Cảnh phải kê thêm giường, nằm tràn ra hành lang trong các đợt cao điểm không còn lạ.

Thuê bác sĩ về hưu, rút ngắn thời gian chữa bệnh

Trong nhiều năm qua, thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế, Sở Y tế Đà Nẵng đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến thành phố cử bác sĩ luân phiên về hỗ trợ công tác khám chữa bệnh và chuyển giao kỹ thuật cho các Trung tâm y tế quận, huyện nhằm tăng cường khả năng chuyên môn, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Mặc khác, thành phố đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường cơ sở hạ tầng, thiết bị cho bệnh viện tuyến dưới, đồng thời thu hút nhân lực, luân chuyển bác sĩ về tuyến dưới để phục vụ khám chữa bệnh tốt hơn cho người dân.

Với câu chuyện giảm tải sức người, một số bệnh viện tuyến dưới đành nói “bó tay” thì Bệnh viên đa khoa quận Ngũ Hành Sơn lại có “sáng kiến” hợp đồng với bác sĩ đã về hưu. Trong 4 năm trở lại đây, bệnh viện hợp đồng với 7 bác sĩ thuộc diện này. “Đội ngũ bác sĩ lớn tuổi nhưng vẫn dồi dào sức khỏe, y đức tuyệt vời, giàu kinh nghiệm lại chung thủy gắn bó nên chúng tôi khá yên tâm”, bác sĩ Phạm Văn Tài - Giám đốc Bệnh viện đa khoa quận Ngũ Hành Sơn chia sẻ.

Bác sĩ Lê Hồng Hải thì nhấn mạnh đến vấn đề nếu muốn giảm quá tải ở Bệnh viện Đà Nẵng, các bác sĩ tập trung nghiên cứu, hội chẩn, tìm biện pháp khám và chữa trị nhanh nhất cho bệnh nhân; rút ngắn thời gian chữa bệnh qua các bước như làm xét nghiệm, trả kết quả và nghe bác sĩ kết luận về bệnh một cách nhanh nhất…

Nói về chuyện giảm tình trạng quá tải triệt để ở Bệnh viện Phụ sản - Nhi, bác sĩ Lê Thị Hòa - Trưởng phòng Tổ chức của bệnh viện - chỉ dùng một từ duy nhất: “Chịu!”. Hiện tại, số giường thực kê đã cao gần gấp đôi quy mô của bệnh viện. Sức hút của Bệnh viện Phụ sản -Nhi ngày càng lớn khi nhiều năm gần đây (thời điểm còn là một khoa của Bệnh viện Đà Nẵng cho đến nay), đơn vị này không để xảy ra tình trạng tử vong mẹ và bé khi sinh. Bên cạnh đó, sự phát triển phương tiện kỹ thuật, trình độ đội ngũ y bác sĩ không ngừng nâng cao khiến Bệnh viện Phụ sản - Nhi được coi là “đầu tàu” trong điều trị các ca bệnh khó, mức độ nặng của trẻ em không chỉ tại Đà Nẵng mà cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Trong khi bệnh nhân có bệnh thì nghĩ ngay đến chuyện khám và điều trị ở các bệnh viện lớn, vì nghĩ máy móc ở đó tốt hơn, bác sĩ giỏi hơn..., nhưng thực tế nhiều bác sĩ của bệnh viện tuyến dưới cũng vững tay nghề, các thiết bị để hỗ trợ việc khám và chữa bệnh được trang bị không thua kém các bệnh viện khác. Bác sĩ Trần Thiện Hùng cho rằng, Bệnh viện đa khoa quận Cẩm Lệ có sẵn những loại máy hiện đại như máy siêu âm ba chiều, máy X-quang kỹ thuật số, nhiều xét nghiệm sinh hóa đã được tiến hành tại BV. Ngoài ra, một số kỹ thuật phẫu thuật như phẫu thuật răng - hàm - mặt, mổ sản, mổ sỏi đường tiểu… được thực hiện thành công tại bệnh viện nhiều năm lại đây. Làm được các kỹ thuật khó đó, nhưng các bác sĩ không đủ thời gian để giới thiệu cho bệnh nhân, vì như nói ở trên, họ còn quá bận rộn với việc khám bệnh.

Bác sĩ Lê Hồng Hải, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Đà Nẵng:

Chống quá tải tốt nhất cần xuất phát từ hệ thống y tế dự phòng

Việc đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến hay mua sắm thêm trang thiết bị hiện đại là để chữa bệnh chứ không thể ngăn ngừa bệnh tật cho người dân ngay từ khi nó chưa xảy ra. Nếu không thực hiện tốt công tác y tế dự phòng thì không thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh khi các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng có xu hướng gia tăng.

Người dân nên nghĩ đến vấn đề không đau vẫn đi khám để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

THU HOA - HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.