.

Bệnh đau mắt đỏ lan rộng

.

Bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) đang lây lan “không phanh” trong cộng đồng. Dù là bệnh lành tính, không khó điều trị, nhưng dịch đau mắt đỏ lại khó dập và ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt thường nhật của người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Văn Khôi khám cho một ca trẻ em đỏ mắt. (Ảnh chụp chiều 23-9)
Bác sĩ Nguyễn Văn Khôi khám cho một ca trẻ em đỏ mắt. (Ảnh chụp chiều 23-9)

Với những gia đình có trẻ nhỏ bị đau mắt đỏ, mọi công việc, sinh hoạt của người lớn theo đó bị xáo trộn.

Con anh T. (4 tuổi, ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) bị đỏ mắt cách đây hai tháng. Ban đầu chỉ là dấu hiệu mắt có ghèn, hơi sưng và nhờ được khám bác sĩ kịp thời nên tình trạng đỏ mắt của bé chóng khỏi. Tuy nhiên, khi bé hết bệnh thì anh lại có cảm giác mắt mình xốn, ngứa khó chịu. Vợ anh cũng bị tương tự. Biết trước đó là dấu hiệu đỏ mắt nên anh chị đi khám và mua thuốc đặc trị chữa bệnh ngay từ đầu. Cùng thời điểm đó, bố mẹ anh cũng bị đỏ mắt.

Vì đang có mầm bệnh trong nhà nên gia đình anh T. rất chú ý đến khâu vệ sinh, nhất là việc sử dụng các dụng cụ cá nhân. Dẫu vậy, bệnh vẫn không “tha” khi lần lượt các thành viên trong gia đình vừa khỏi mắt đỏ thì con của anh T. lại bắt đầu mắc bệnh trở lại.

Việc lây qua lây lại bệnh này trong gia đình anh T. chưa biết bao giờ dứt vì đã 2 tháng trôi qua nhưng hết người này đến người khác mắc bệnh. Đặc biệt, khi trẻ nhỏ bị đỏ mắt, mọi sinh hoạt, công việc của gia đình gần như bị xáo trộn. Bé đỏ mắt phải nghỉ học, nên một trong hai vợ chồng anh chị phải xin tạm nghỉ việc để ở nhà chăm con. Con khỏe, bố mẹ lại đỏ mắt, rồi đến khi bố mẹ bị đỏ mắt thì tiếp tục nghỉ việc vì ngại tiếp xúc với đồng nghiệp…

Riêng thống kê tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, số ca bị dịch đỏ mắt trong tháng 8 là 376. Từ đầu tháng 9 đến nay có 424 người mắc, trong đó khoảng 80% bệnh nhân là trẻ em dưới 15 tuổi.

So với các tháng đầu năm, số ca mắc tăng gấp đôi và có xu hướng tăng dần từ tháng 7 đến nay. Thông thường cứ vào mùa mưa, lụt hằng năm, Bệnh viện Mắt lại tiếp nhận nhiều ca viêm kết mạc cấp. Năm nay, bệnh lây lan thành dịch, số ca mắc không ngừng tăng.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Khôi, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, trẻ em là đối tượng dễ bị virus Adeno (virus gây đỏ mắt) xâm nhập, do trẻ không biết cách phòng bệnh cũng như khi mắc thì không biết giữ gìn đôi mắt đúng cách. Đỏ mắt gây cảm giác cợm, ngứa. Trẻ hay đưa tay lên dụi khi mắt khó chịu, nên dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như loét giác mạc.

Bác sĩ Khôi khuyến cáo người bệnh nên đến các cơ sở nhãn khoa để được khám và điều trị vì bệnh đỏ mắt thuộc dạng lành tính nhưng biến chứng thì đa dạng. Quan niệm dân gian cho rằng, nhìn thẳng vào mắt người bệnh hoặc “quở” người bị mắt đỏ sẽ bị lây bệnh là không đúng theo khoa học. Có hai cơ chế lây bệnh là trực tiếp từ mắt người bệnh sang mắt người lành hoặc gián tiếp qua vật trung gian có mang vi sinh vật gây đỏ mắt.

“Nếu vì nhìn trực diện mắt người bệnh mà lây nhiễm thì bác sĩ như chúng tôi bị suốt ngày”, bác sĩ Khôi nói. Virus gây đỏ mắt có thể bám trên các đồ dùng, vật dụng xung quanh chúng ta nên giữ gìn vệ sinh, rửa tay sạch sẽ, không dụi mắt… sẽ giúp hạn chế đưa virus Adeno từ vật trung gian vào mắt.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.