.

Giáo dục giới tính ở trường học

.

Giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên là một khoảng trống đang tồn tại trong giới trẻ. Điều này tạo nên những bất cập trong cuộc sống của chính các em.

Để lấp đầy khoảng trống, nâng cao sự hiểu biết về giáo dục giới tính cho các bạn trẻ, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía.

Học sinh Trường THPT Phan Thành Tài nghe nói chuyện chuyên đề chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên.
Học sinh Trường THPT Phan Thành Tài nghe nói chuyện chuyên đề chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Kiến thức không thể thiếu

Thiếu hụt kiến thức về giới tính và chăm sóc SKSS vị thành niên là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến số lượng mang thai ở tuổi vị thành niên ngày càng tăng cao. Theo thống kê, hiện Việt Nam là một trong 3 nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ phá thai với khoảng từ 1,2 - 1,6 triệu ca phá thai mỗi năm, trong đó độ tuổi vị thành niên chiếm 20%. Tình hình nạo phá thai có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Việc mang thai ở tuổi vị thành niên để lại những hậu quả nặng nề do các bà mẹ nhỏ tuổi còn quá trẻ, thể chất và tinh thần chưa phát triển để sẵn sàng làm mẹ.

Vấn đề cần đặt ra là việc giáo dục giới tính - SKSS trong trường học cần được chú trọng hơn nữa. Em Nguyễn Thị Kiều Trinh (học sinh lớp 11/7 Trường THPT Phạm Phú Thứ) chia sẻ: “Lứa tuổi chúng em rất cần được tìm hiểu về giới tính và SKSS, nhưng tại trường phổ thông hiện chưa có môn học này mà chỉ có vài tiết sinh hoạt ngoại khóa. Muốn tìm hiểu, chúng em phải tự kiếm tìm các thông tin trên mạng Internet, qua bạn bè cùng trang lứa. Vì vậy, các thông tin thường không đầy đủ và nhiều khi thiếu khoa học. Nhiều bạn do không có kiến thức về giáo dục giới tính nên khi đi quá giới hạn đã gây những hậu quả xấu, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như quá trình học tập”.

Còn em Đặng Văn Hạnh (lớp 11/12 Trường THPT Phan Thành Tài) cho biết: “Em thấy giáo dục giới tính - SKSS trong trường học rất hay và bổ ích cho lứa tuổi chúng em. Nó không chỉ bổ sung kiến thức cho các bạn nữ mà cả giới “mày râu” như em cũng cần học hỏi rất nhiều. Những điều thắc mắc thường ngày em không có điều kiện trao đổi, nay thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa và nói chuyện chuyên đề tạo điều kiện cho em biết tự chăm sóc bản thân mình”.

Sinh hoạt ngoại khóa trong các trường THPT là một trong những hoạt động được vị thành niên, thanh niên tham gia tích cực, mạnh mẽ và hiệu quả. Đây cũng là dịp để các em được giao lưu, chia sẻ kiến thức, quan điểm, rèn luyện kỹ năng sống, ứng xử trước những vấn đề đặt ra có liên quan đến chăm sóc SKSS, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Thách thức và cơ hội

Một thực tế đang diễn ra là chúng ta chưa có giải pháp giáo dục đồng bộ, chưa xây dựng được một hệ thống kiến thức về giới tính cho học sinh. Việc giáo dục giới tính vẫn chủ yếu là do từng nhà trường với những phạm vi nhỏ hẹp. Vì vậy, hầu như học sinh chưa có những hiểu biết đầy đủ, khoa học về sự phát triển của cơ thể mình. Chẳng hạn, trong những buổi nói chuyện chuyên đề, nhiều em đưa ra những câu hỏi rất ngây ngô như làm sao biết khi nào thì thụ thai, nếu thụ thai thì phải làm thế nào, khi nào thì tuổi các em được yêu, yêu có ảnh hưởng đến tâm sinh lý không... Để lấp đầy khoảng trống, nâng cao sự hiểu biết về giáo dục giới tính cho các bạn trẻ, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía.

Theo thầy Phan Hữu Thịnh, Bí thư Đoàn Trường THPT Phan Thành Tài, nhà trường đã thực hiện rất tốt các buổi sinh hoạt ngoại khóa về giáo dục giới tính, tuy nhiên lổ hổng kiến thức này chỉ riêng nhà trường thì chưa đủ mà còn thiếu từ phía gia đình và xã hội. Vấn đề là làm thế nào tạo môi trường thoải mái để các em có thể chia sẻ những khúc mắc, từ đó có kiến thức đầy đủ về giới tính và SKSS.

Trẻ em hiện nay tuổi dậy thì sớm hơn. Vì vậy, nhà trường và gia đình cần xác định đây là một thách thức trong việc giáo dục giới tính cho các em. Để sự phát triển của các em ổn định, trưởng thành cả về thể chất lẫn tâm hồn, cần giúp các em có những trải nghiệm đúng đắn và tích cực. Khó khăn lớn nhất là vấn đề giáo dục giới tính và SKSS chưa thành một hệ thống, cũng như chưa có sự vào cuộc của tất cả các cơ quan liên ngành một cách đồng bộ. 

Giáo dục SKSS cho vị thành niên, thanh niên là trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về phía nhà trường mà còn là trách nhiệm của cả gia đình và toàn xã hội. Với mô hình giáo dục SKSS cho vị thành niên trong các trường THPT trên địa bàn thành phố, hy vọng sẽ có nhiều chuyển biến về nhận thức trong việc giáo dục giới tính, đặc biệt cho trẻ vị thành niên, thanh niên hiện nay.

Bài và ảnh: MAI HOA

;
.
.
.
.
.