.

Khó dập dịch nếu dân không chủ động phòng bệnh

.

(ĐNĐT) - Đó là nhận xét của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh sau buổi khảo sát tình hình phòng chống sốt xuất huyết (SXH) tại các “điểm nóng” trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn vào sáng 13-9.

Phó chủ tịch UBDN thành phố Nguyễn Xuân Anh thăm hỏi chị Đặng Thị Chức (tổ 91, Hải An 1, p.Hòa Quý, q.Ngũ Hành Sơn), cộng tác viên phòng chống SXH, đồng thời là bệnh nhân SXH đầu tiên trong khu vực
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh thăm hỏi chị Đặng Thị Chức (tổ 91, Hải An 1, phường Hòa Quý, Q.Ngũ Hành Sơn), cộng tác viên phòng chống SXH, đồng thời là bệnh nhân SXH đầu tiên trong khu vực

Biết cách phòng, nhưng vẫn nhiễm bệnh

Tính đến ngày 8-9-2013, toàn thành phố ghi nhận 1.046 trường hợp mắc SXH tại 7/7 quận, huyện, tăng 954 trường hợp so với cùng kỳ 2012, không có tử vong. Từ tháng 7, số ca SXH tăng 47,3% so với tháng 6. Trong những tuần cuối tháng 8 và đầu tháng 9, số ca tăng cao, trung bình mỗi tuần ghi nhận 48 trường hợp.

Riêng trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, từ đầu năm đến nay có 121 bệnh nhân SXH. Trong đó, khu vực Hải An (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) là “điểm nóng” về dịch SXH khi đã qua hai đợt dập dịch nhưng dịch… vẫn còn tiếp diễn. Hiện tại, khu vực này còn khoảng 10 người đang điều trị bệnh SXH.

Theo như chia sẻ của chị Đặng Thị Chức (45 tuổi, tổ 91), cộng tác viên phòng chống SXH, đồng thời là bệnh nhân SXH đầu tiên tại khu vực Hải An 1 thì “quanh đây nhà nào cũng có người bị SXH”. Cách nhà chị Chức vài căn là hộ ông Phạm Hữu (tổ 92) cũng có đến 4 người vừa trở về từ bệnh viện sau thời gian điều trị SXH. Chị Phạm Thị Mỹ (27 tuổi), con ông Hữu cho hay: “4 người trong nhà, lớn nhất là 63 tuổi và nhỏ nhất là 5 tuổi lần lượt mắc bệnh”.

Bệnh SXH không chừa một ai, điều này không sai tại khu vực Hải An, phường Hòa Quý khi từ chị cộng tác viên, vợ chồng bí thư chi bộ đến người già hay trẻ đều mắc bệnh. Công tác chống dịch như diệt loăng quăng, bọ gậy, phun thuốc, tuyên truyền đã được thực hiện tại địa phương này. Người dân khi được hỏi về bệnh đều có thể rành rọt cho biết là do muỗi vằn và cách hạn chế muỗi sinh sôi là úp các vật dụng đựng nước, không để nước đọng, bỏ muối vào nơi chứa nước, ngủ màn v.v…

Vấn đề là người dân biết thì biết nhưng không thực hành điều họ biết. Qua khảo sát của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh và đoàn Sở Y tế, khắp nơi vẫn tồn tại môi trường lý tưởng để muỗi Ades aegypti (muỗi vằn) phát triển.

"Không thể đến từng nhà để lật úp đồ chứa nước"

Nếu người dân thắc mắc vì sao nhà nào cũng có người mắc SXH khi họ đã luôn đề phòng bằng cách mắc mùng khi đi ngủ, thì câu trả lời cho nơi có dịch cứ lặp đi lặp lại chưa dứt là nước đọng tồn tại khắp mọi nơi.

Nhà chưa mắc bệnh chủ quan đã đành, những nhà có người đã mắc bệnh thì phía trước và sau nơi ở vẫn thản nhiên để chum, vại, chậu cây, chén, gáo dừa, bẹ cau đọng nước. Sau trận mưa mấy đêm qua, càng dễ bắt gặp nước đọng. Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, loại muỗi gây SXH sinh trưởng tốt ở nơi nước đọng và sạch. Do đó, chỉ cần khoảng 2 ngày nữa thì những “ao” nước này sẽ sinh loăng quăng và sau đó là muỗi vằn. Ở nhiều nhà dân gần đó, nhất là nhà trọ, nhà không có chủ, đoàn khảo sát dễ dàng thấy những ổ loăng quăng và muỗi, dù người trong khu vực này cho biết họ có súc bể chứa 2 ngày một lần.

Bác sĩ Phạm Văn Tài, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn cho biết, nguyên nhân của tình trạng tăng cao bất thường số người mắc SXH trong thời gian qua, nhất là tháng 8 và tháng 9, là do tại đây có nhiều khu đất quy hoạch, giải tỏa còn bỏ trống tạo môi trường không tốt. Việc tập trung đông học sinh, sinh viên sinh sống, cùng với đó là thời tiết đang bước vào mùa mưa cũng là một số lý do chính để bệnh có điều kiện bùng phát. Trong khi đó, bác sĩ Tôn Thất Thạnh cho rằng, người dân không thiếu hiểu biết về phòng bệnh nhưng chưa biến kiến thức lý thuyết thành hành vi thực tế. Bằng chứng là nơi này vừa được dập dịch, tưởng đã yên tâm nhưng lần này quay lại thì mọi thứ vẫn tiềm ẩn nguy cơ như thường.

Trong quá trình khảo sát, gặp đồ chứa nước đọng, cả đoàn đều lật úp lại, nhưng “chẳng lẽ đến từng nhà làm việc này nếu người dân không tự mình chủ động hành động để ngừa bệnh”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh nói.

Bên cạnh đó, một vấn đề rất đáng quan tâm là toàn thành phố có 1.800 cộng tác viên phòng chống SXH. Công tác tuyên truyền, vận động đã đến tai người dân, nhưng biến điều họ nghe thành hành động thì cần sự vào cuộc tới nơi tới chốn hơn nữa của lực lượng đông đảo này.

Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết

Khẩu hiệu hành động phòng ngừa bệnh SXH của ngành Y tế là “Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”. Để không có bọ gậy, người dân cần lưu ý đậy kín các nơi chứa nước, thay nước ở lu, bồn chứa... mỗi tuần trên hai lần; không để ao tù nước đọng, vật dụng chứa nước có thể úp lại thì phải được úp lại hoặc phải cho muối vào. Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát.

Những gia đình ở phố ít có chum vại, gáo dừa, chậu cây cũng nên cảnh giác muỗi vằn có thể sinh sôi từ nước trong lọ cắm hoa, đĩa hứng nước chậu cây cảnh nhỏ v.v…

Bài và ảnh: Thu Hoa

;
.
.
.
.
.