Theo báo cáo của Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thành phố Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm, tỷ số giới tính là 108 trẻ em trai/100 trẻ em gái, nghĩa là đang trong tình trạng nguy cơ bị mất cân bằng giới tính.
Thảo luận, trao đổi tại lớp tập huấn về giới diễn ra ở Đà Nẵng. |
Tỷ số giới tính khi sinh được tính theo tỷ lệ số bé trai/100 bé gái được sinh ra trong cùng một khoảng thời gian (1 năm, 5 năm). Tỷ số giới tính khi sinh bình thường là 104 - 106 bé trai (trung bình là 105)/100 bé gái; nếu số bé trai sinh ra 107 trở lên là mất cân bằng giới tính.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn quan niệm thích có con trai để “nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên”. Bên cạnh đó, hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi chưa phát triển, nhất là ở khu vực nông thôn nên người già phụ thuộc rất lớn vào khả năng phụng dưỡng của con cái (chủ yếu là con trai). Do nhu cầu phát triển kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là những công việc nặng nhọc, rất cần đến con trai để vừa là trụ cột về tinh thần, vừa là trụ cột về kinh tế, là lao động chính cho gia đình.
Chị Đặng Thị Chí, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) cho biết, 7 tháng đầu năm, tỷ số giới tính của phường là 117 bé trai/100 bé gái, đây là tỷ số khá cao. Theo chị Chí, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nguyện vọng thích sinh con trai do phần lớn các hộ làm nghề biển cần có con trai để nối nghiệp nghề đánh cá ngoài biển khơi. Như gia đình anh Trần Văn Dũng (ở tổ 88 phường Thanh Khê Đông) đã có 3 con gái nhưng khi được vận động anh thực hiện KHHGĐ, anh cương quyết không thực hiện vì muốn tìm thêm đứa con trai nữa.
Còn chị Trần Thị Yến Vy, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang), cho biết xã của chị có gia đình sinh con thứ 3, thứ 4 trở lên cũng khá nhiều và là xã có tỷ số mất cân bằng giới tính cao của huyện. Nguyên nhân do các gia đình ở đây giữ quan niệm cũ muốn sinh nhiều con, đồng thời nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số chưa chủ động thực hiện tốt KHHGĐ.
Một nguyên nhân tác động không nhỏ đến việc mất cân bằng giới tính trong xã hội là việc các nhà xuất bản vì lợi nhuận đã in nhiều sách hướng dẫn “sinh con theo ý muốn”, trên mạng Internet cũng có nhiều tài liệu hướng dẫn phương pháp sinh con trai theo ý muốn. Các phòng khám tư nhân khi đi khám thai cũng “lách luật” không ghi giới tính thai nhi vào phiếu siêu âm nhưng lại “nói nhỏ” cho thai phụ biết và dẫn đến hiện tượng nạo phá thai để chọn lọc giới tính…
Bên cạnh đó, những chuẩn mực xã hội mới như gia đình quy mô nhỏ (chỉ có 1-2 con) đã tạo áp lực cho các cặp vợ chồng: vừa phải có ít con, lại mong muốn trong số đó phải có con trai. Bởi vậy, cùng với những tiến bộ của y học hiện đại, nhiều gia đình đã áp dụng kỹ thuật trước, trong và sau khi có thai để chẩn đoán giới tính thai nhi, kết hợp với phá thai chọn lọc giới tính. Sự tồn tại dai dẳng của định kiến giới, phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái ở một bộ phận nhân dân cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính.
Sự mất cân bằng giới tính không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ như: phải nạo hút thai, đẻ nhiều, chịu sức ép tinh thần, giảm cơ hội phát triển, mà còn làm các gia đình tiêu tốn nhiều thời gian, tiền bạc. Theo dự báo của các chuyên gia, khoảng 20 năm nữa, tình trạng dư thừa nam giới, thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn có thể dẫn tới những thay đổi trong hệ thống hôn nhân và gia đình, dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội như tranh giành trong hôn nhân, do nam giới không thể kết hôn, khó hoặc không tìm được bạn đời.
Nhằm hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh, Chi cục DS-KHHGĐ thành phố tăng cường sự phối hợp liên ngành trong chỉ đạo triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức đúng đắn về giới tính trong mỗi gia đình, trong mỗi người dân trong cộng đồng xã hội.
Bài và ảnh: MINH PHÚC