.
Ngày tim mạch thế giới 29-9

Tiến bộ trong điều trị tim mạch

.

(ĐNĐT) - Bác sĩ Phạm Văn Hùng, Phó trưởng Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, khoảng vài năm trở lại đây, số bệnh nhân tim mạch ngày càng gia tăng, khoa có quy mô 90 giường nhưng bệnh nhân nội trú thực tế luôn đạt mức trên 140 người. Mỗi ngày, phòng khám nội tim mạch tiếp nhận trung bình từ 100-150 bệnh nhân.

Cùng với sự tăng cao người mắc bệnh tim mạch, tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật trong điều trị tim mạch cũng tăng rất nhanh.
 
Can thiệp tim mạch qua da

Bác sĩ Phạm Văn Hùng cho biết, với các dạng bệnh đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, trước đây chủ yếu được điều trị bằng dùng thuốc, thì từ năm 2006 đến nay, Bệnh viện Đà Nẵng đã áp dụng phương pháp can thiệp động mạch vành qua da (nong bóng và đặt stent động mạch vành) và phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành. Đây là các phương pháp điều trị tiên tiến nhằm mục tiêu tái thông dòng chảy động mạch vành.

Can thiệp qua da bằng hệ thống máy DSA cho một ca bệnh tim bẩm sinh
Can thiệp qua da bằng hệ thống máy DSA cho một ca bệnh tim bẩm sinh

Riêng cấp cứu nhồi máu cơ tim bằng can thiệp động mạch vành qua da, Bệnh viện có đội cấp cứu 24/24. Vì thế, bệnh nhân từ khi vào viện đến lúc được can thiệp chỉ mất khoảng dưới 30 phút nên khả năng được xử lý kịp thời khá cao. Mỗi ca can thiệp mạch vành có khi cần viện phí đến vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo Bệnh viện là nếu cần thiết có thể can thiệp cấp cứu cho bệnh nhân trước rồi mới làm thủ tục trả tiền sau.

Do đó, theo bác sĩ Hùng, không thể nhớ hết đã có bao nhiêu trường hợp được cứu trong điều kiện không cần ứng tiền trước như thế. Chỉ biết từ 2006 đến nay, đã có trên 3.000 ca được chụp và can thiệp động mạch vành, trong đó khoảng 500 trường hợp nhồi máu cơ tim cấp được can thiệp động mạch vành cấp cứu kịp thời với tỷ lệ thành công đạt trên 90%.

Ngoài ra, khoa Nội tim mạch cũng đã triển khai máy tạo nhịp tim vĩnh viễn trong điều trị bệnh lý rối loạn nhịp tim chậm, gần đây là kỹ thuật thăm dò điện sinh lý và cắt đốt ổ loạn nhịp bằng sóng cao tần trong chẩn đoán và điều trị các trường hợp bệnh nhân có rối loạn nhịp tim nhanh.

Điểm nổi trội của phương pháp can thiệp qua da so với phẫu thuật là quá trình xử lý bệnh nhẹ nhàng, bệnh nhân chỉ phải gây tê tại chỗ, sau can thiệp, người bệnh có thể đứng dậy đi lại, sinh hoạt bình thường.
 
Đến các tỉnh, thành tìm kiếm sàng lọc bệnh nhi

Người trẻ tuổi bị bệnh tim mạch tăng

Ghi nhận tại Bệnh viện Đà Nẵng cho thấy, tỷ lệ người trẻ tuổi hiện nay mắc bệnh tim mạch khá cao, một điều ít gặp so với trước đây. Có trường hợp bệnh nhân nhồi máu cơ tim mới 24 tuổi, trong khi bệnh này chỉ thường gặp ở người trên 50 tuổi.

​Can thiệp tim cho trẻ em được đánh giá là thế mạnh của Bệnh viện Đà Nẵng khi phương tiện, nhân lực tại đây phát triển tương đối sớm so với hai đầu đất nước. Đến nay, hơn 1.000 trường hợp bệnh lý trẻ em như thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch v.v… được can thiệp thành công.

Bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ thêm: Ngoài số bệnh nhi tự đến hoặc được chuyển đến, trong 4 năm trở lại đây, cứ khoảng vài tháng, đội ngũ bác sĩ của Bệnh viện lại đi các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai để tìm kiếm, sàng lọc trẻ bị bệnh tim bẩm sinh để đưa về điều trị dưới sự tài trợ viện phí của tổ chức Vinacapital.

Trước những tiến bộ trong điều trị và số ca can thiệp thành công nên Tổ chức Trái tim vì Trái tim của CHLB Đức cùng hai công ty Siemens và Philips đã hỗ trợ cho Bệnh viện Đà Nẵng hai hệ thống máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền (DSA). Bênh cạnh phần đầu tư 6 tỷ đồng ban đầu của thành phố để xây dựng cơ sở, phương tiện chữa bệnh tim bẩm sinh, Viện tim mạch quốc gia, Viện tim thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Việt Đức cũng là các đối tác chuyển giao kỹ thuật giúp Khoa tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng có thể sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân từ bẩm sinh đến người cao tuổi.

Tim mạch với các bệnh lý tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não được coi là bệnh của những nước đang phát triển khi có sự chuyển hóa mạnh mẽ điều kiện sống, dinh dưỡng, lối sống từ nước nghèo sang nước phát triển hơn. Nguyên nhân chính khiến người trẻ mắc bệnh tim mạch nhiều là do chế độ sinh hoạt ít vận động, uống nhiều bia rượu và đặc biệt là hút thuốc lá, trong đó thuốc lá chính là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của tim mạch.

Thu Hoa

;
.
.
.
.
.