Theo Hiệp hội loãng xương (LX) thế giới, cứ 3 giây là có một ca gãy xương do LX, tương đương với hơn 25.000 ca gãy xương mỗi ngày. Tại châu Á, trong đó có Việt Nam, chi phí điều trị LX tăng nhanh đến chóng mặt. Hiện ở mức tương đương với chi phí điều trị hai căn bệnh thường gặp ở phụ nữ là ung thư vú và cổ tử cung cộng lại. Ước tính đến năm 2050, thế giới có thể phải tốn tới 131,5 tỷ USD để chữa trị những ca chấn thương liên quan đến LX.
Thế nhưng, đa số người dân vẫn chưa ý thức rõ về căn bệnh này và những hệ lụy nghiêm trọng của nó nên chưa có biện pháp phòng tránh phù hợp.
Loãng xương là gì?
LX là một bệnh lý của xương, được đặc trưng bởi sự giảm khối lượng xương kèm theo hư biến cấu trúc của xương, dẫn đến tăng tính dễ gãy của xương, tức là có nguy cơ gãy xương. Do vậy, cần đo mật độ xương để đánh giá nguy cơ gãy xương.
Nguyên nhân
LX được chia làm 2 loại: LX nguyên phát và LX thứ phát. Mỗi loại có nguyên nhân khác nhau. LX nguyên phát do tuổi tác và/hoặc tình trạng mãn kinh ở phụ nữ; LX thứ phát do một số bệnh hoặc một số thuốc gây nên.
Có thể thấy một số yếu tố nguy cơ có thể tham gia vào cơ chế gây loãng xương, ví dụ: yếu tố cơ học (nằm bất động kéo dài trên 6 tháng), di truyền, chuyển hóa (thiếu calci hoặc vitamin D và khả năng giảm tạo 1-25 Dihydroxyvitamin D ở người lớn tuổi), hormon (cường cận giáp, tăng tiết cortisol vỏ thượng thận, hoặc giảm tiết oestrogen, giảm testosterone), nguyên nhân khác (hút thuốc lá, uống nhiều rượu, ít hoạt động thể lực, tuổi tác, dinh dưỡng…).
Triệu chứng
Thông thường LX ít gây đau, các triệu chứng đầu tiên có thể là biểu hiện biến chứng của LX (xẹp đốt sống hoặc gãy xương ngoại vi).
Triệu chứng thường gặp:
- Xẹp thân đốt sống: Đau xuất hiện khi có 1 đốt sống mới bị xẹp hoặc đốt sống tiếp tục bị xẹp thêm. Đau khởi phát đột ngột, không lan, không có dấu hiệu chèn ép thần kinh kèm theo.
- Rối loạn tư thế cột sống: Khi xẹp nhiều đốt sống, cột sống thường bị biến dạng (gù cong đoạn cột sống lưng-thắt lưng), làm giảm chiều cao.
- Gãy xương: Các vị trí thường gặp là đầu trên xương đùi, đầu trên xương cánh tay, đầu dưới xương cẳng tay, xương sườn, xương chậu và xương cùng.
Hậu quả
LX gây đau nhức xương, đau cột sống, lún xẹp và biến dạng cột sống. Đặc biệt gãy xương được xem là biến chứng nặng nề nhất của LX. Tỷ lệ tử vong rất cao đối với người cao tuổi khi bị gãy cổ xương đùi.
Điều trị
- Các biện pháp không thuốc: Thể thao, tăng cường vận động thể lực, chế độ ăn uống đầy đủ Calci, Vitamin và các khoáng chất, tránh sử dụng rượu, thuốc lá.
- Điều trị loãng xương bằng thuốc: Kết hợp calci và vitamin D; nhóm Bisphosphonat: Alendronat,Risedronat,Pamidronat,Acid Zoledronic; Calcitonin; SERM (Selective Estrogen Receptor Modifiers): Thuốc điều hòa thụ thể estrogen chọn lọc, hoạt chất thường dùng Raloxifen; các steroid tăng đồng hóa; Hormon cận giáp trạng (PTH 1-34): Thuốc chống loãng xương mới nhất hiện nay, có khả năng tạo xương, giảm 65% nguy cơ loãng xương đốt sống và 54% nguy cơ loãng xương ngoài đốt sống sau 18 tháng điều trị.
Các biện pháp phòng ngừa
Hoạt động thể lực, thể thao. Ăn uống dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ calci và vitamin D. Tránh thuốc lá, rượu. Khi đã có gù vẹo cột sống, cần đeo đai thắt lưng để trợ giúp cột sống. Hạn chế tai nạn trong sinh hoạt đối với người cao tuổi. Sử dụng nội tiết tố.
Làm thế nào để biết được có bị loãng xương hay không? Để biết được tình trạng có bị loãng xương hay không, bệnh nhân cần phải được thăm khám lâm sàng bởi bác sỹ chuyên khoa (nội xơ xương khớp), chụp X-quang và đo mật độ xương. Hiện nay, Khoa Cơ-xương-khớp Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng thường xuyên thu dung hàng ngàn bệnh nhân/ngày đến khám và chẩn đoán về các bệnh lý liên quan, trong đó có bệnh loãng xương. Bệnh nhân có thể đặt hẹn trước khi đến khám theo thông tin liên lạc: Điện thoại: (0511) 3650 505 (số máy lẻ:105) hoặc Email: contactus.danang@hoanmy.com Bác sĩ TÔN THẤT VIỆT HÙNG Phòng khám Nội- cơ- xương- khớp, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng |