.

Cái nhìn mới về điều dưỡng và nữ hộ sinh

.

Điều dưỡng và nữ hộ sinh vốn chỉ được coi là những người phụ việc cho bác sĩ ở bệnh viện. Tuy nhiên, qua Dự án Đào tạo có hệ thống điều dưỡng và nữ hộ sinh tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, đến nay đã có 18 chị làm trong lĩnh vực này được sang Nhật Bản học việc. Cái nhìn đúng mực về nghề này theo đó mở ra…

Chị Nguyễn Thị Thanh Hồng (ngồi) đang được hướng dẫn nghiệp vụ tại Bệnh viện Nishishimin-Nhật Bản.  (Ảnh do Bệnh viện Phụ sản - Nhi cung cấp)
Chị Nguyễn Thị Thanh Hồng (ngồi) đang được hướng dẫn nghiệp vụ tại Bệnh viện Nishishimin-Nhật Bản. (Ảnh do Bệnh viện Phụ sản - Nhi cung cấp)

Học chuyên môn…

Hơn 20 năm gắn bó với công việc nữ hộ sinh, cử nhân Nguyễn Thị Thanh Hồng, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, phụ trách công tác điều dưỡng, nữ hộ sinh, mới thực sự cảm nhận hết vai trò và giá trị của nghề nghiệp của mình sau hai chuyến tập huấn ngắn ngày tại Nhật Bản vào năm 2012 và 2013.

Từ trước đến nay, nhiều người vẫn nghĩ điều dưỡng và nữ hộ sinh không quan trọng bằng bác sĩ. Họ chỉ là những người đứng đằng sau, hỗ trợ việc lặt vặt trong bệnh viện. Ngay cả bản thân chị Hồng dù đã có thâm niên nhưng cũng bị định kiến xã hội chi phối khi nghĩ về nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, qua Dự án Đào tạo có hệ thống điều dưỡng và nữ hộ sinh do Trung tâm Giao lưu và Hợp tác Quốc tế KOBE - Nhật Bản tài trợ, trong đó chị Hồng là một trong những người đầu tiên tham gia, chị đã hiểu hơn về một nghề có sự gần gũi nhiều nhất với bệnh nhân, phải theo dõi sát sao diễn biến bệnh tình của người bệnh, đó là điều dưỡng và nữ hộ sinh.

Từ 2012-2014, mỗi năm Dự án đưa 12 chị sang Nhật học việc tại Bệnh viện Nishishimin và Đại học Điều dưỡng KOBE. Mỗi đợt học kéo dài 10 ngày. Kết thúc Dự án vào năm 2014, sẽ có tổng cộng 36 chị và một số cán bộ của Bệnh viện Phụ sản - Nhi được phía Nhật đào tạo nghiệp vụ chuyên môn và công tác lập kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo cho cán bộ tại chỗ. Nội dung học tập do phía Bệnh viện Phụ sản - Nhi tự đề xuất, đó là những phần việc mà theo đánh giá của các chị là họ còn cần phải học hỏi thêm như: phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện, ghi chép hồ sơ bệnh án, khám thực thể cơ quan hô hấp, chăm sóc phụ nữ có mang kèm bệnh lý nguy cơ cao, chăm sóc trẻ em ung thư và kỹ năng giao tiếp v.v…

Học cách giao tiếp

Điều ấn tượng nhất với các chị được tham gia chương trình học này có lẽ là cách giao tiếp không chỉ giữa cán bộ y tế trong bệnh viện với nhau mà còn giữa điều dưỡng, nữ hộ sinh với bệnh nhân.

Văn hóa ứng xử trong bệnh viện là vấn đề rất được dư luận xã hội quan tâm trong thời gian vừa qua, nhất là trong điều kiện bệnh viện quá tải, cán bộ y tế làm việc quá sức. Các chị cho biết, khó có thể so sánh môi trường làm việc tại Nhật Bản với Việt Nam, bởi nơi các chị tu nghiệp (Bệnh viện Nishishimin) thì mỗi tháng chỉ có 50-60 ca sinh. Trong khi đó, ở Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, đây là khối lượng công việc của… một ngày các chị phải làm. Dẫu vậy, được trau dồi về kỹ năng giao tiếp cũng giúp các chị phần nào cải thiện được mức độ hài lòng của bệnh nhân đối với nhân viên y tế.

Theo bác sĩ Huỳnh Thị Bích Ngọc, Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, cán bộ phụ trách Dự án, 36 chị được đào tạo sẽ trở thành giảng viên nòng cốt giúp nâng cao nghiệp vụ cho những cán bộ trẻ tại bệnh viện và của cả khu vực Đà Nẵng. Bệnh viện Phụ sản - Nhi có gần 330 điều dưỡng, nữ hộ sinh trên tổng số 661 cán bộ công nhân viên. Đến nay, các chị từng đi học tại Nhật Bản đã về đào tạo lại cho 150 người từ chương trình này.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.