.

Đà Nẵng đã sẵn sàng tiêm lại vaccine "5 trong 1"

.

Từ ngày mai (24-10), tất cả các trạm y tế xã, phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chính thức tiêm trở lại vaccine Quinvaxem - “5 trong 1”, sau 5 tháng tạm ngưng tiêm loại này theo quy định của Bộ Y tế.

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh (ngồi giữa) cùng đoàn khảo sát đang kiểm tra hộp chống sốc tại Trạm y tế phường Phước Ninh, quận Hải Châu.
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh (ngồi giữa) cùng đoàn khảo sát đang kiểm tra hộp chống sốc tại Trạm y tế phường Phước Ninh, quận Hải Châu.

Nét mới nhất của đợt tiêm lần này là mỗi điểm tiêm sẽ chỉ tiếp nhận 50 trẻ/buổi để bảo đảm đủ thời gian khám sàng lọc, tư vấn và thực hiện theo dõi ít nhất 30 phút sau tiêm.

Trước đây, trung bình mỗi tháng tại Đà Nẵng có từ 4.000 - 5.000 trẻ tiêm vaccine Quinvaxem. Do bị “ứ” trong suốt nhiều tháng tạm ngưng sử dụng vaccine trên, nên dự báo số trẻ đang cần tiêm Quinvaxem trên địa bàn thành phố lên đến 12.000 trẻ mỗi tháng, trong 3 tháng cuối năm 2013. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, số ngày tiêm chủng mở rộng trong mỗi tháng sẽ kéo dài hơn thường lệ, từ ngày 24-28 hằng tháng, nhằm giải quyết hết số lượng mũi tiêm tồn đọng.

Xung quanh câu chuyện tiêm lại “5 trong 1”, Thạc sĩ, bác sĩ Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng - cho biết để chuẩn bị cho việc tiêm Quinvaxem an toàn, từ đầu tháng 10, Sở Y tế Đà Nẵng, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và Trung tâm y tế các quận, huyện đã tiến hành khảo sát 78 điểm tiêm chủng trên toàn địa bàn, bao gồm 56 trạm y tế xã, phường, 11 điểm tiêm dịch vụ tại quận, huyện, 10 khoa sản tại các bệnh viện và Bệnh viện Phụ sản - Nhi nhằm chấn chỉnh công tác tiêm chủng như: kỹ năng ghi chép sổ sách, bố trí điểm tiêm, đầu tư dây chuyền lạnh, hộp chống sốc, rà soát lại nguồn nhân lực y tế, kiến nghị cải tạo cơ sở vật chất phù hợp…

* Thưa bác sĩ, các bước bảo đảm an toàn tiêm chủng như: quy định số lượng trẻ tiêm/buổi (cụ thể lần này là 50 trẻ/buổi/điểm tiêm), khám sàng lọc trước tiêm, theo dõi sau tiêm đã từng được lưu ý rất nhiều. Tuy nhiên, không nhiều điểm tiêm có thể tuân thủ các bước này vì lý do khách quan lẫn chủ quan. Vậy làm thế nào khẳng định đợt tiêm trở lại này, các bước trên sẽ được thực hiện đúng theo quy định?

- Để bảo đảm mỗi buổi chỉ tiêm cho 50 trẻ, các trạm y tế phải lập kế hoạch tiêm chủng thật cụ thể và thông qua việc thông báo tại trạm y tế phường/xã, gọi điện thoại hoặc gửi giấy mời đến từng hộ có trẻ trong độ tuổi cần tiêm để thông báo ngày đưa trẻ ra trạm. Chủ trương của ngành y tế là phân chia số trẻ tiêm mỗi buổi theo từng loại vaccine nhằm hạn chế thấp nhất hao phí vaccine.

Về khám sàng lọc trước tiêm, qua việc thực hiện thí điểm tiêm 50 trẻ/buổi tại một số trạm y tế trên địa bàn thành phố cho thấy, nếu đúng mỗi buổi chỉ tiêm cho từng này trẻ thì sẽ đủ thời gian cho việc khám sàng lọc và theo dõi sau tiêm. Trước mắt, để phục vụ cho đợt tiêm trở lại này, ngành y tế Đà Nẵng đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho 70 cán bộ chưa từng được tập huấn về công tác an toàn tiêm chủng. Sau đó, sẽ có hơn 10 lớp nữa lần lượt được tổ chức, đồng thời tăng cường tuyên truyền về lợi ích của chương trình tiêm chủng và công tác an toàn tiêm chủng. Điều khó khăn hiện nay là trạm y tế xã, phường đang thiếu y, bác sĩ nên các trạm trên cùng địa bàn phải luân chuyển bác sĩ cho nhau hoặc tăng cường bác sĩ tại trung tâm y tế quận, huyện về khám sàng lọc tại trạm trong những ngày tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó, 50 trẻ/buổi thì sẽ không có tình trạng thiếu ghế ngồi đợi theo dõi sau tiêm, phụ huynh có thể bớt nóng lòng đưa con về sớm.

Cơ sở vật chất phục vụ quy trình tiêm chủng cũng được chấn chỉnh kịp thời qua đợt khảo sát vừa rồi như đầu tư thêm tủ lạnh cho Trạm y tế phường An Hải Tây (quận Sơn Trà), chuyển điểm tiêm tại phường An Hải Đông sang đội y tế dự phòng quận Sơn Trà (cũng nằm trên cùng địa bàn) để bảo đảm không gian đủ tiêu chuẩn, trang bị đầy đủ hộp chống sốc cho tất cả các trạm v.v…

Điều quan trọng là ngành y tế rất cần sự hợp tác của phụ huynh trong việc lưu ý lịch mời tiêm chủng, tránh tình trạng bố mẹ đưa con đến quá đông, không theo kế hoạch gây khó xử cho gia đình và cán bộ y tế.

* Nếu vẫn còn điểm tiêm chủng nói chung, trạm y tế nói riêng không thực hiện đúng các bước tiêm chủng an toàn như trên thì ngành y tế Đà Nẵng sẽ xử lý thế nào, thưa bác sĩ?

- Lãnh đạo ngành y tế sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hỗ trợ các trạm trong những ngày tiêm chủng. Nếu phát hiện sai phạm, tùy mức độ sẽ xử lý theo quy định, trường hợp cao nhất có thể tạm ngưng hoạt động tiêm chủng của trạm đó.

THU HOA thực hiện
 

;
.
.
.
.
.