.

Khi dịch bệnh vào trường học

.

Những ngày này là thời điểm dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng (TCM), đau mắt đỏ hoành hành trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Các trường học, ký túc xá vừa phòng dịch vừa nơm nớp lo dịch bùng phát.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, Đà Nẵng là một trong số các địa phương có nhiều người bị bệnh đau mắt đỏ. Riêng trong tháng 9 vừa qua, chưa tính các cơ sở điều trị tư nhân và số người tự mua thuốc chữa bệnh, thì theo thống kê từ Bệnh viện Mắt và Trung tâm Y tế 7 quận, huyện trên địa bàn đã có hơn 6.000 người bị đỏ mắt. Ngoài bệnh về mắt, sốt xuất huyết cũng tăng cao ngay từ đầu năm, xuất hiện ở tất cả 56/56 xã, phường và vẫn ở đỉnh dịch với khoảng 1.200 ca mắc tính ngày 1-1-2013. TCM có giảm so với năm 2012, nhưng vẫn có đến hơn 2.000 trẻ em mắc bệnh.

Ký túc xá, trường học vào cuộc

Trước tình hình trên, các trường học, cơ sở có học sinh, sinh viên lưu trú cũng nhanh chóng vào cuộc ứng phó với dịch bệnh.

“Trường tự xin kinh phí phun thuốc diệt muỗi cũng lắm phiền hà, nên chúng tôi đề nghị cần có ngân sách cho các trường thực hiện công tác chủ động phòng dịch. Để có dịch rồi mới thực hiện việc phun thuốc thì ảnh hưởng đến lịch học của học sinh”, thầy Đặng Nhứt cho biết.

Tại khu ký túc xá (KTX) Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng, trong tổng số 674 sinh viên Trường CĐ Công nghệ, ĐH Ngoại ngữ và một số du học sinh Lào, Trung Quốc đang sinh hoạt tại đây, ghi nhận một số ca đỏ mắt và sốt xuất huyết. Tính đến ngày 9-10, vẫn còn một sinh viên đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hải Châu vì sốt xuất huyết.

Theo anh Nguyễn Văn Dũng, tổ trưởng tổ quản lý KTX, so với vài năm trước, chỉ năm này mới thấy nhiều sinh viên mắc hai loại bệnh dịch trên. Tuy nhiên, con số báo cáo chỉ là ước tính, còn thực tế các em mắc bệnh thì tổ quản lý KTX chưa nắm hết.

Anh Nguyễn Văn Dũng cho biết, để ứng phó với bệnh dịch, KTX đã họp các trưởng phòng nhằm tuyên truyền thực hiện vệ sinh nơi ở, cách hạn chế bệnh lây lan. Ngay lối ra vào KTX, đâu đâu cũng có niêm yết thông tin, thông báo về tình hình dịch bệnh.

Tại Trường tiểu học Trần Văn Ơn, công tác phòng chống dịch cũng tập trung không kém. Đến nay trường ghi nhận 7 em bị đỏ mắt và không có ca sốt xuất huyết, TCM.

Tại ngôi trường này, việc phòng dịch không chỉ diễn ra khi có dịch. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận Hải Châu phun thuốc trước khi học sinh nhập học 4 ngày. Thầy Đặng Nhứt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, bệnh sốt xuất huyết được chủ động phòng từ đầu; trong khi đó, các bệnh đỏ mắt lây lan khó ngăn chặn nên hằng ngày các thầy cô giáo phải theo dõi biểu hiện mắc bệnh ở học sinh để kịp thời báo cáo Ban giám hiệu và phòng y tế. Ngoài ra, trong tháng 10, nhà trường tăng cường trang bị thêm cho mỗi phòng, mỗi lớp 2 bình xịt muỗi mini.

Với diện tích 4.800m2, Trường Trần Văn Ơn đã chi hơn 1 triệu đồng tiền phun thuốc. Tuy nhiên, theo thầy Đặng Nhứt, kinh phí phòng dịch không được ngân sách chi trả nên nhà trường phải tự vận động bằng cách xin từ nguồn quỹ phụ huynh.

Khó ngăn dịch khi phụ huynh “liều”

Thông thường học sinh bị mắt đỏ được nhà trường khuyến cáo phụ huynh cho con em nghỉ ở nhà để hạn chế truyền bệnh cho bạn bè chung trường, chung lớp. Tuy nhiên, khi trẻ bệnh, một số phụ huynh vì không thể sắp xếp cho con ở nhà nên cũng “liều” đưa con đến lớp khiến công tác phòng chống dịch bệnh khó thực hiện ở các trường. Thầy Nhứt cho biết: “Nhà trường cảm thấy khó giải quyết các tình huống học sinh đau mắt đỏ vẫn đến lớp, gửi các em về lại nhà cũng khó mà để ngồi học cũng không yên tâm”.

Trong khi đó, tại lớp Trẻ 5, Trường mầm non Bé Thông Minh, khi phát hiện một cháu có dấu hiệu đỏ mắt, cô giáo đã nhanh chóng gọi điện thoại cho phụ huynh đón cháu về vì sợ ảnh hưởng đến các trẻ khác.

Một bác sĩ chuyên khoa Nhi cho biết, hiện các trường mầm non trên địa bàn thành phố thực hiện rất sát sao việc theo dõi trẻ bị bệnh dịch như đỏ mắt, TCM. Có trẻ mắc dấu hiệu giống bệnh TCM nên được nhà trường đề nghị không đưa trẻ đến lớp khiến phụ huynh phải tìm gặp bác sĩ xin giấy xác nhận và các xét nghiệm liên quan chứng minh con mình không bị bệnh này.

THU HOA

;
.
.
.
.
.