.

Nỗi khổ khi bé khóc đêm

.

Cả tuần nay, hàng xóm nhà chị Lê Thị Tuyên (34 tuổi, ở đường Thanh Thủy, phường Thanh Bình, quận Hải Châu) rất bực mình vì mất ngủ do cu Rin cứ gào khóc suốt đêm. Không chỉ bị hàng xóm kêu phiền mà vợ chồng chị Tuyên còn không thể tập trung làm việc vì mất ngủ.

Giấc ngủ đủ vào ban đêm giúp trẻ phát triển chiều cao.                         (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Giấc ngủ đủ vào ban đêm giúp trẻ phát triển chiều cao. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Con ơi ngủ đi!

Dù mới sinh con nhưng trông chị Tuyên cứ càng ngày càng gầy đi do cu Rin (hơn 4 tháng tuổi) cứ quấy đêm và khóc suốt. Mặc cho mẹ ra sức bồng, nựng, ru, vỗ về nhưng bé vẫn gào thét to như bị… ai đánh. Tưởng con bị bệnh gì, chị Tuyên liền đưa con đến bác sĩ gần nhà để khám. Tuy nhiên, bác sĩ kết luận “chưa thấy có biểu hiện bệnh gì” khiến chị Tuyên càng lo lắng, bởi bé chỉ hay khóc đêm, còn vẫn bú và ngủ bù vào ban ngày rất ngoan. “Ban ngày, bé ngủ được nhưng mình phải đi làm. Mất ngủ nên không tập trung được vào công việc, đầu óc lúc nào cũng lơ mơ nên bị sếp la mấy bận”, chị Tuyên thổ lộ về công việc kế toán cho một công ty tư nhân.

Được mấy đêm đầu kiên nhẫn dỗ, nựng con, đến những đêm sau chị Tuyên “nổi khùng” phát mấy cái vào mông bé. Bị đau, cu Rin lại càng gào to hơn, khản cả tiếng.

Cũng giống cu Rin, bé Na là con gái chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (ở phường An Khê, quận Thanh Khê) đã 3 tuổi nhưng vẫn khóc đêm. “Lúc trước bé ngủ ngoan, không khóc nhưng gần một tuần nay thì đêm nào cũng khóc. Bé khóc khiến hai vợ chồng không ngủ được lại đâm ra cãi nhau”, chị Nhung cho biết.
Chị Nhung đưa con đi khám, bác sĩ cũng bảo bé không bị bệnh gì. Nghe kinh nghiệm của hàng xóm “chắc bé thiếu canxi” nên chị Nhung mua canxi cho con uống cả tháng nhưng bé vẫn khóc. Có người bày chị để dao, lá cây trên đầu giường bé nằm thì bé sẽ hết khóc…, thế mà vẫn không ăn thua. “Vợ chồng mình còn trẻ nên cũng tranh thủ chợp mắt chút xíu khi bé nín. Chỉ tội ông bà ngoại ngày đã vất vả với cháu, tối còn thức trắng vì người già vốn khó ngủ nên không ngủ lại được. Cứ tình trạng này chắc cả nhà phải vô viện vì bị stress”, chị Nhung than thở.

Mới đây, chị Nhung đưa bé đi bệnh viện xét nghiệm máu xem có phải vì con thiếu chất gì đó nên khó ngủ không, nhưng bác sĩ bảo kết quả bình thường.

Không nên quá lo lắng

Tình trạng trẻ khóc đêm thường xảy ra ở rất nhiều bé, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc cũng như sức khỏe của bé và bố mẹ. Nhiều bà mẹ vì quá lo lắng nên cho con uống nhiều loại thuốc bổ đông tây y mà vẫn không cải thiện được tình hình.

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Quân, khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa quận Hải Châu, giấc ngủ giúp cơ thể phục hồi sức khỏe và phát triển đối với bé. Tùy theo lứa tuổi và đặc điểm hoạt động của hệ thần kinh, mỗi trẻ có nhu cầu ngủ khác nhau, trẻ sơ sinh thường từ 20-22 giờ mỗi ngày, chỉ thức khi đói và bị ướt. Trung bình trẻ dưới 1 tuổi ngủ 16-18 giờ/ngày, 1-2 tuổi ngủ 14-16 giờ, 2-3 tuổi ngủ 12-14 giờ, 3-6 tuổi ngủ 11-12 giờ... Trong khi ngủ, tuyến tiền yên trong não của trẻ em tiết ra hoóc-môn tăng trưởng. Do vậy, khi bé khóc đêm nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển chiều cao.

“Có rất nhiều nguyên nhân khiến bé khóc đêm. Có thể do rối loạn tiêu hóa, viêm mũi họng, thay đổi môi trường sống, thiếu một số vi chất dinh dưỡng, hay do có vấn đề về tâm lý như lo âu, hoảng sợ...”, bác sĩ Quân nói. Tuy nhiên, theo bác sĩ Quân, nếu không tìm được nguyên nhân thì cũng không nên quá lo lắng khi ban ngày bé vẫn ngủ bình thường, chơi đùa và không bỏ bữa. Có những bé chỉ khóc đêm trong một giai đoạn nào đó, một thời gian sau tự nhiên không còn khóc, quấy đêm nữa.

Theo bác sĩ Quân, khi bé đang khóc, người mẹ cần bình tĩnh và vỗ về bé chứ không nên quát hay đánh bé, vì như thế bé sẽ khóc nhiều hơn và lâu hơn. Mẹ có thể áp dụng nhiều cách như: massage cho bé hay mở nhạc êm dịu cho bé nghe, cùng chơi đùa với con trước giờ đi ngủ. Chỗ ngủ của bé phải thoáng khí, khô ráo. Đồng thời, nên tránh cho trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày, tập cho con thói quen đi ngủ đúng giờ. Đặc biệt, trước giờ ngủ, không nên để trẻ ở trạng thái kích thích quá mức hoặc ức chế thần kinh.

Bài và ảnh: K.NGÂN

;
.
.
.
.
.