.

Tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai

.

Nếu không thực hiện tốt tiếp thị xã hội (TTXH) các phương tiện tránh thai, nguy cơ mang thai ngoài ý muốn ngày càng tăng, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, tăng chi phí sử dụng dịch vụ y tế.

Học sinh tham gia trao đổi về chăm sóc sức khỏe sinh sản trong nhà trường.
Học sinh tham gia trao đổi về chăm sóc sức khỏe sinh sản trong nhà trường.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trong thời gian tới là đẩy mạnh TTXH các phương tiện tránh thai nhằm bảo đảm tính bền vững của các chương trình DS-KHHGĐ. Dự kiến đến năm 2015, tại Việt Nam, số phụ nữ trong độ tuổi có khả năng mang thai lên tới 27 triệu người và duy trì đến năm 2023. Mức sinh hiện nay tuy đã giảm nhưng chưa vững chắc. Trước sức ép của sự gia tăng dân số, nhiệm vụ giảm sinh đang tạo áp lực phải tăng nhanh số người sử dụng các biện pháp tránh thai.

Công tác DS-KHHGĐ thành phố Đà Nẵng đã đạt được mức sinh thay thế từ năm 2004 và vẫn duy trì ở mức 1,94 con. Có được thành tựu này nhờ triển khai tích cực việc cung cấp dịch vụ KHHGĐ với những tiến bộ vượt bậc trong việc tăng nhanh và duy trì tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai, cũng như đa dạng hóa các biện pháp tránh thai. Dân số của thành phố Đà Nẵng trong những năm tới tiếp tục gia tăng nên nhu cầu sử dụng phương tiện tránh thai cũng tăng theo. Thêm vào đó, quan niệm về vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân cũng cởi mở hơn khiến tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai của đối tượng vị thành niên, thanh niên chưa lập gia đình tăng lên.

Để thực hiện được những định hướng của Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020, ngay từ bây giờ, cần có những điều chỉnh phù hợp trong việc cung cấp các dịch vụ KHHGĐ trong giai đoạn tới. Đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động TTXH các phương tiện tránh thai, góp phần thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi sử dụng phương tiện tránh thai từ cấp miễn phí sang tự chi trả; tạo cho khách hàng có thêm cơ hội lựa chọn các biện pháp tránh thai phù hợp, sử dụng thường xuyên và đúng cách, qua đó bảo đảm tính bền vững của các chương trình DS-KHHGĐ, đặc biệt là phòng tránh mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền tình dục, HIV/AIDS.

Theo bà Lê Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Cung ứng dịch vụ của Tổng cục Dân số-KHHGĐ, công tác TTXH bao cao su và viên uống tránh thai vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đối tượng sử dụng chưa có thói quen chi trả cho các phương tiện tránh thai trong KHHGĐ, dù là rất rẻ, mà hầu hết khách hàng của chương trình DS-KHHGĐ muốn được cấp miễn phí. Nhãn hiệu NightHappy mới xuất hiện trong TTXH các phương tiện tránh thai (lưu hành gần một năm), bước đầu gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, chuyển đổi hành vi sử dụng các phương tiện tránh thai từ cung cấp miễn phí sang chi trả một phần để mua sản phẩm của khách hàng. Vì vậy, việc đẩy mạnh TTXH 2 phương tiện tránh thai là bao cao su và viên uống tránh thai trong thời gian tới cần tiếp tục được triển khai đồng bộ. Ngành dân số sẽ tiếp tục thực hiện bán hàng thông qua cộng tác viên DS-KHHGĐ và nhân viên y tế xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, tiếp thị các phương tiện tránh thai đến với người dân bằng nhiều hình thức như tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, tờ bướm, tờ rơi.

Để thực hiện được điều này, Chi cục Dân số-KHHGĐ thành phố đã phối hợp với 10 ban, ngành, đoàn thể lồng ghép trong lớp tập huấn, hội thảo, nói chuyện chuyên đề về TTXH các phương tiện tránh thai; tập huấn cho 1.843 cộng tác viên dân số - sức khỏe cộng đồng về TTXH các phương tiện tránh thai. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền cho 10.000 người trên địa bàn thành phố tiếp cận với các phương tiện tránh thai hiện đại.  

Với các nỗ lực trong việc triển khai nhiệm vụ, việc TTXH các sản phẩm của NightHappy tại thành phố Đà Nẵng đã có nhiều kết quả khả quan. Tính đến nay, toàn thành phố đã bán được trên 200.000 chiếc bao cao su, 6.000 vỉ uống tránh thai liều thấp kết hợp, gần 700 cas dụng cụ tử cung..., góp phần tăng nhanh số người sử dụng các biện pháp tránh thai, duy trì mức giảm sinh vững chắc.

Bài và ảnh: MAI KHUÊ

;
.
.
.
.
.